TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHO BỆNH NHÂN  KHOA NGOẠI TIẾT NIỆU VÀ KHOA NGOẠI TỔNG HỢP

Nhằm nâng cao hiểu biết của người bệnh, người nhà người bệnh và phối hợp hiệu quả với nhân viên y tế trong quá trình điều trị chăm sóc, chiều ngày 21/9/2022, Bệnh viện tổ chức buổi truyền thông tư vấn giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khoa Ngoại tổng hợp và khoa Ngoại tiết niệu với chủ đề “Công tác chăm sóc người bệnh và dinh dưỡng đối với người bệnh trước, trong và sau phẫu thuật”
CĐDD Nguyễn Thị Bưởi và CNĐD Vũ Xuân Tiệp giới thiệu về công tác chăm sóc và dinh dưỡng đối với người bệnh ngoại khoa
Báo cáo viên Nguyễn Thị Bưởi – Khoa Dinh dưỡng cho biết “Dinh dưỡng không đầy đủ, không phù hợp với tình trạng bệnh lý sẽ làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị và tăng kinh phí điều trị.” Can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại khoa  được chia làm 3 giai đoạn: trước phẫu thuật, chuẩn bị phẫu thuật và sau phẫu thuật. Cụ thể như sau:
Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân trước phẫu thuật
  • Tăng protein: Bệnh nhân sau phẫu thuật thường làm mất nhiều protein do chảy máu, vết thương, viêm, nhiễm khuẩn.
  • Tăng Glucid: Cung cấp năng lượng, giúp gan tích trữ nhiều Glycogen, bảo vệ gan khỏi tổn thương của thuốc mê
  • Đối với bệnh nhân bị suy kiệt: hỗ trợ dinh dưỡng từ 1 tuần đến 1 tháng tùy mức độ.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật
  • Giảm bớt cặn bã trong ruột.
  • Giảm nhiễm khuẩn đường ruột nhất là khi phẫu thuật đường tiêu hóa
  • Tránh nôn và chịu đựng được thuốc mê.
  • Ngày trước phẫu thuật: Nên cho ăn nhẹ, thức ăn mềm ít chất xơ. Bữa chiều ăn ít hơn bữa trưa.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân sau phẫu thuật
  • Nên ăn các loại thức ăn mềm, hạn chế thức ăn có xơ trong giai đoạn sau mổ. Khi bệnh nhân đi lại được thì ăn uống bình thường
  • Chia thành nhiều bữa trong ngày (4-6 bữa)
  • Sử dụng các loại thực phẩm có chứa nhiều Vitamin B, C, PP như nước dừa, nước cam
  • Uống đủ nước ngày 1,5 – 2 lít hoặc uống theo nhu cầu
Báo cáo viên Vũ Xuân Tiệp - Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại Tiết niệu chia sẻ công tác chăm sóc người bệnh ngoại khoa “Việc chăm sóc người bệnh trước và sau phẫu thuật có ý nghĩa rất lớn  đối với kết quả cuộc phẫu thuật. Người bệnh, người nhà người bệnh hiểu, phối hợp tốt, tuân thủ nghiêm, giúp cuộc mổ tốt hơn. Việc phát hiện kịp thời các biến chứng, xử trí tốt ban đầu các biến chứng đó là hết sức quan trọng”
Những điểm lưu ý trước phẫu thuật
  • Vệ sinh cơ thể trước khi phẫu thuật (tắm)
  • Tẩy trang và chùi sạch sơn móng tay, móng chân và cắn ngắn móng tay, móng chân trước khi phẫu thuật
  • Chải và buộc gọn tóc
  • Tháo kính áp tròng, tháo răng giả tháo lắp
  • Tháo tất cả đồ trang sức, bao gồm cả các loại khuyên đeo trên người
Một số lưu ý theo dõi sau mổ
  • Theo dõi tư thế nằm sau mổ
  • Theo dõi tình trạng đau: đau nhiều, đau ở vết mổ, đi tiểu khó hoặc thấy đau khi tiểu, đau khi hít vào thở ra, buồn nôn ói mửa hoặc các triệu chứng bất thường khác.
  • Theo dõi truyền dịch
  • Theo dõi vết mổ
  • Theo dõi ống dẫn lưu và dịch dẫn lưu
  • Vận động sau mổ: nên vận động nhẹ nhàng sau phẫu thuật, kết hợp phục hồi chức năng cho bệnh nhân nặng.
CNĐD Vũ Xuân Tiệp – Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại tiết niệu trao đổi cùng người bệnh
Buổi truyền thông giáo dục sức khỏe  với sự tham gia rất nhiệt tình, trao đổi sôi nổi của các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và sự giải đáp ân cần, tận tình của các báo cáo viên. Chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe giúp người nhà người bệnh khoa Ngoại tổng hợp và khoa Ngoại tiết niệu nâng cao kiến thức để thực hiện chăm sóc người bệnh cũng như chế độ dinh dưỡng cho người bệnh trước và sau phẫu thuật, từ đó góp phần giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, giảm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Người nhà bệnh nhân N.V.T – Khoa Ngoại Tổng hợp chia sẻ “Thật may mắn vì bố của tôi sắp mổ tôi lại được lắng nghe chia sẻ rất chi tiết của các bác sỹ về công tác chăm sóc cũng như dinh dưỡng đối với bệnh nhân phẫu thuật. Đang loay hoay không biết chăm bố thế nào trước và sau mổ thì lĩnh hội được những kiến thức bổ ích từ các nhân viên y tế. Thật lòng không biết nói gì hơn ngoài hai từ cảm ơn các y bác sỹ Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh rất nhiều.”
Trong thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục tổ chức các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe với chủ đề thiết thực phù hợp với các khoa lâm sàng để cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về chăm sóc sức khỏe để người bệnh, người nhà người bệnh phối hợp, chủ động, cùng nhân viên y tế trong quá trình điều trị tại Bệnh viện với kết quả điều trị hiệu quả nhất./.

Phạm Thị Thu Hà - Phòng CTXH