CAN THIỆP DINH DƯỠNG GIÚP NGƯỜI BỆNH CÓ ĐỦ ĐIỀU KIỆN PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ UNG THƯ DẠ DÀY

Bệnh nhân H, 55 tuổi, bị suy kiệt (BMI: 16,5kg/m2) do bị K dạ dày, khi vào viện bệnh nhân được chẩn đoán: Thiếu máu nặng/Ung thư dạ dày.
Trước đó, bệnh nhân đã phát hiện ung thư dạ dày vào tháng 3 và điều trị bằng thuốc nam tại nhà nhưng không có tiến triển. Tháng 7 năm 2023, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh trong tình trạng đau bụng thượng vị, sụt cân (gần 10kg), ăn uống kém, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
Kết quả kiểm tra cận lâm sàng, bệnh nhân có các chỉ số Protein và Albumin máu thấp không đủ điều kiện để thực hiện ca phẫu thuật. Các bác sĩ khoa Ngoại Xạ - Y học hạt nhân phối hợp cùng với Khoa Dinh dưỡng lên phác đồ điều trị kết hợp dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Theo nghiên cứu của Daniel T và cộng sự “Trường hợp bệnh nhân bị suy kiệt nặng kèm theo các chỉ số Protein máu & Albumin máu giảm nặng. Nếu bệnh nhân không được can thiệp dẫn đến tăng tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật thậm chí là tử vong”.
Cụ thể, trong quá trình can thiệp hàng ngày bệnh nhân H được đánh giá mức độ nuôi dưỡng đường tiêu hóa và khả năng hấp thu của bệnh nhân. Từ đó, đưa ra chỉ định can thiệp phù hợp theo từng giai đoạn nhằm giúp bệnh nhân nâng cao thể trạng. Mức năng lượng tối ưu cần đạt 35-40kcal/kg/ngày. Bệnh nhân được ưu tiên sử dụng các sản phẩm ONS (Oral Nutritional Supplement: Bổ sung dinh dưỡng qua đường miệng) có đậm độ năng lượng cao, giàu protein.
Ảnh vết mổ của bệnh nhân sau phẫu thuật
Sau 7 ngày can thiệp các chỉ số protein máu & albumin máu đủ điều kiện để thực hiện ca phẫu thuật. Sau phẫu thuật cắt ¾ dạ dày, bệnh nhân được can thiệp dinh dưỡng tĩnh mạch kết hợp với đường tiêu hóa đến khi ổn định và ra viện.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2020 Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới và trên 120.000 ca tử vong do ung thư. Trong đó ung thư dạ dày có tỷ lệ mắc mới 9.8% và 11,9% tử vong. Đa phần bệnh nhân ung thư chưa được chăm sóc đúng và đủ về chế độ dinh dưỡng. Nhiều trường hợp ăn kiêng quá mức để bỏ đói khối u, dẫn đến tình trạng sụt cân, suy kiệt. Người bệnh không thể theo hết phác đồ điều trị khiến hiệu quả kém, tiên lượng sống giảm.
Tại nhiều bệnh viện, người bệnh chủ yếu được điều trị lâm sàng mà quên rằng dinh dưỡng là nền tảng của sức khỏe. Người bệnh cần can thiệp dinh dưỡng đúng bệnh để cải thiện sức khỏe đồng thời rút ngắn thời gian điều trị bệnh từ đó giúp người bệnh giảm chí phí điều trị. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, dinh dưỡng điều trị từng bước phát triển nhằm đáp ứng việc chăm sóc người bệnh trong và ngoài tỉnh.
T/g: Vũ Khắc Thường - Khoa Dinh Dưỡng

Quản trị tin tức