Tập luyện, ăn uống hợp lý để phòng chống bệnh đái tháo đường.

Đái tháo đường là căn bệnh mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua, tuy nhiên, không ít người lại đang có tâm lý chủ quan, đánh giá thấp mức độ nguy hại của căn bệnh này. Điều này càng làm tăng thêm mối đe dọa từ bệnh đái tháo đường tới sức khỏe của mỗi cá nhân, ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế và chất lượng cuộc sống của cộng đồng cũng như mỗi gia đình.
Bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường - ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat (đường) do hoóc môn insulin của tuyến tụy tiết ra bị thiếu, hoặc do giảm tác động hiệu quả lên mô đích (kháng insulin). Hậu quả đưa đến tình trạng mức đường trong máu tăng cao, trong thời gian dài gây biến chứng trầm trọng ở các cơ quan trong cơ thể. Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu rất khó xác định do không điển hình và dễ lẫn với triệu chứng các bệnh khác. Đái tháo đường dẫn tới nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh lý võng mạc gây mù mắt, bệnh lý thận, mạch máu ngoại vi dẫn đến đoạn chi và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Nhân viên khoa Dinh dưỡng Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh kiểm tra cân nặng cho người bệnh khám định kỳ

Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2017 cho thấy, Việt Nam có khoảng 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường). Đáng chú ý, hiện nay, có tới 70% người Việt nam mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Thậm chí, trong số người đã phát hiện bệnh, chỉ có gần 29% được điều trị tại các cơ sở y tế. Theo dự đoán, đến năm 2045, nước ta sẽ có tới 6,3 triệu người mắc căn bệnh này, tăng xấp xỉ 79%.
Từ những thông tin trên đây, có thể thấy bệnh đái tháo đường là một căn bệnh nguy hiểm, gây ra tác động khôn lường tới sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Ngoài việc tiến hành xét nghiệm đường máu để sớm phát hiện và điều trị kịp thời, chúng ta cũng có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách xây dựng và duy trì một chế độ tập luyện và sinh hoạt hợp lý. Tăng cường các hoạt động thể lực, lựa chọn luyện tập một môn thể thao để kiểm soát cân nặng và cải thiện thể trạng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người sẽ khỏe mạnh hơn khi luyện tập thể thao ít nhất 35 phút mỗi ngày, kết quả là giảm được 80% nguy cơ đái tháo đường. Đi bộ được cho là phương pháp dễ thực hiện, ít tốn kém mà vẫn đem lại hiệu quả cao.
Ngoài việc luyện tập thể thao, chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học cũng là một vấn đề mà mỗi người cần lưu ý. Ăn giảm thực phẩm nhiều tinh bột, thịt cá không chỉ giúp cải thiện thể hình, thể trạng mà còn làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường, tăng huyết áp và đột quỵ. Nên hạn chế các loại đồ ăn nhanh vì những thực phẩm này thường có chứa nhiều Carbohydrates tinh chế và chất béo không tốt cho sức khỏe, làm tăng khả năng mắc bệnh. Đồng thời, cần tăng cường ăn rau tươi sạch, hạn chế thịt đỏ vì cholesterol trong thịt đỏ và những chất phụ gia trong thịt chế biến sẵn rất có hại cho sức khỏe.



Nhân viên khoa Dinh dưỡng Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh tư vấn chế độ ăn cho người bệnh

Ngoài các giải pháp kể trên, chúng ta cũng nên quan tâm nhiều hơn tới việc thư giãn, thả lỏng cơ thể, dành thêm thời gian bên gia đình với các hình thức giải trí lành mạnh. Cùng với đó, bảo đảm ngủ đúng giờ, đủ giấc để cải thiện tình trạng sức khỏe.
Đối với nhiều người, giữ gìn lối sống khoa học như trên không phải là chuyện dễ dàng, nhất là trong điều kiện cuộc sống hiện đại. Nhưng đó lại là cách đơn giản nhất để bảo vệ sức khỏe trước căn bệnh đái tháo đường, để mỗi người trong chúng ta có thêm nhiều cơ hội cảm nhận và trân trọng hơn cuộc sống của mình.
 
T/g: Vũ Thị Quỳnh – Trung tâm ĐT&CĐT

Công Nghệ Thông Tin