KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH 27/12 “THÚC ĐẨY HỢP TÁC VỚI QUY MÔ TOÀN CẦU”

Trải qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, kinh nghiệm thực tế cho thấy, các biện pháp đối phó đơn phương của mỗi quốc gia dù có quyết liệt đến đâu cũng khó có thể ngăn chặn làn sóng phát tán vi rút một cách hiệu quả.
 
Để phòng ngừa những cuộc khủng hoảng y tế tương tự trong tương lai, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã tăng cường hợp tác cùng tìm kiếm biện pháp nhằm ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó, sáng kiến của Việt Nam lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh và được Liên hợp quốc thông qua năm 2020, càng có ý nghĩa. 
Mới đây, Bộ trưởng Y tế và Tài chính các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra mắt Quỹ ứng phó đại dịch toàn cầu trị giá 1,4 tỷ USD. Đây là công cụ hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp xảy ra các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Trong quỹ này, Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đóng góp khoảng 450 triệu USD, Italia góp 102 triệu USD, Indonesia ủng hộ 50 triệu USD. Một số quốc gia khác cũng cam kết ủng hộ tài chính cho quỹ này.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), hằng năm, thế giới cần khoảng 31,1 tỷ USD để ngăn chặn và phòng ngừa đại dịch. Do đó, việc xây dựng và phát triển một nguồn kinh phí nhằm ứng phó với đại dịch trong tương lai là hành động thiết thực. Quỹ ứng phó đại dịch, được cho là sẽ hỗ trợ Cơ quan hợp tác toàn cầu tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với dịch Covid-19 (ACT-A) với mục tiêu tích hợp sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai. ACT-A quy tụ một số cơ quan và tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Bill and Melinda Gates, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI), Quỹ Toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan khác.
Các chuyên gia y tế cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi quốc gia. Để có thể hoàn toàn vượt qua những ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch đối với sức khỏe nhân loại và nền kinh tế thế giới, cần thiết phải có một chiến dịch toàn cầu bao gồm việc đảm bảo tất cả mọi nhóm dân số đều có khả năng tiếp cận công bằng đến các công cụ chẩn đoán, vắc xin và các liệu pháp điều trị. Bên cạnh đó, cần phải có sự hợp tác toàn cầu trong việc theo dõi vi rút để xác định các biến thể mới có thể xuất hiện cũng như tăng cường nỗ lực chống lại sự tiến hóa của vi rút SARS-CoV-2. Điều này không chỉ quan trọng ngay tại thời điểm này, mà còn giúp đảm bảo thế giới có thể sẵn sàng cho bất kỳ đại dịch nào xuất hiện trong tương lai. Nhìn chung, một cuộc khủng hoảng toàn cầu cần cách tiếp cận mang tính toàn cầu.
Cùng chung nhận định nói trên, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, trong đại dịch vừa qua, thế giới gặp khó khăn trong việc thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, phân phối các công cụ chẩn đoán, thuốc men và vắc xin do có quá nhiều cơ quan khác nhau tham gia. ACT-A là một tổ chức toàn diện và đã thành công trong việc khắc phục các vấn đề của thế giới. Cơ quan này và Quỹ ứng phó đại dịch toàn cầu sẽ giúp tăng cường sự hợp tác giữa các chính phủ, nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp, xã hội dân sự, các tổ chức y tế và từ thiện toàn cầu nhằm tăng tốc phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng ngừa Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác có khả năng xảy ra.
Cũng nhằm tăng cường khả năng dự phòng ứng phó với các cuộc khủng hoảng liên quan tới sức khỏe, tháng 5 vừa qua, Mỹ và ASEAN đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, tập trung vào 3 khía cạnh trọng tâm. Thứ nhất là tăng cường hệ thống y tế trong các tình huống khẩn cấp nhằm ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Khía cạnh thứ hai liên quan đến phát triển hệ thống y tế thông qua nguồn nhân lực. Để có một hệ thống y tế mạnh mẽ và bình đẳng, cần có đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo và hoạt động tốt. ASEAN và Mỹ sẽ nỗ lực nâng cao năng lực, tăng số lượng, đồng thời đảm bảo chất lượng của các nhân viên y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Khía cạnh thứ ba: Tập trung củng cố hệ thống thông tin và dữ liệu nhằm hỗ trợ phát triển và sản xuất vắc xin, cũng như liệu pháp điều trị và thiết bị chẩn đoán tại chỗ. Để thực hiện điều này, hai bên đã nhất trí tiến hành chuyển giao công nghệ và kiến thức, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đại dịch Covid-19 đã tấn công mọi quốc gia và gây ra cuộc khủng hoảng toàn diện. Nếu không có sự hợp lực toàn cầu, thiệt hại về người và vật chất còn tăng gấp nhiều lần. Chính vì thế, Liên hợp quốc đã triển khai kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu nhằm đảm bảo cung cấp trang thiết bị, phòng thí nghiệm thiết yếu và những vật dụng y tế cần thiết để xét nghiệm, điều trị cho người dân; lắp các trạm rửa tay trong các khu trại tập trung và tạm lánh; phát động chiến dịch truyền thông tới công chúng để họ biết cách bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi vi rút; thiết lập cầu hàng không và trạm trung tâm tại châu Phi, châu Á và Mỹ La tinh để điều hành các cán bộ cứu trợ nhân đạo và hàng cứu trợ đến những nơi cần nhất.
Cùng với đó, WHO đã hợp tác với Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho đại dịch (CEPI) và Liên minh vắc xin  xây dựng Cơ chế COVAX để tạo điều kiện cho mọi người trên thế giới, bất kể mức thu nhập, có thể tiếp cận với vắc xin ngừa Covid-19. Cách tiếp cận công bằng này không chỉ giúp vắc xin được bàn giao kịp thời, mà còn đảm bảo chất lượng của vắc xin ở tất cả mọi nơi.
“Bỏ mặc số phận của những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất là hết sức tàn nhẫn và không khôn ngoan. Nếu chúng ta để vi rút SARS-CoV-2 hoành hành tại những quốc gia này, chúng ta sẽ đặt hàng triệu người vào nguy cơ, toàn bộ khu vực sẽ bị đảo lộn và đại dịch sẽ có cơ hội lây lan trở lại trên toàn cầu” - ông Antonio Guterres nhấn mạnh.
Tính đến thời điểm này, thế giới đã có hơn 650 triệu ca mắc Covid-19, với hơn 6,6 triệu người tử vong. Với nỗ lực của các quốc gia, cuộc sống của người dân đã dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại ở nhiều khu vực trong mùa đông này vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, số người mắc bệnh đậu mùa khỉ, sởi... liên tục gia tăng, đe dọa hệ thống y tế của nhiều nước. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: “Nỗ lực ứng phó đơn lẻ của một quốc gia không bao giờ là giải pháp toàn diện. Đứng trước một vấn đề mang tính toàn cầu, cần một cách tiếp cận ở quy mô toàn cầu”.
(Nguồn: Báo Hà Nội mới)

Hoàng Thu Nga - Phòng CTXH