Giảm Ăn Muối Vì Một Việt Nam Khỏe Mạnh

Hiện nay, hầu hết các bữa ăn của người Việt đều đang thừa muối. Đây là khẳng định của ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới(WHO) tại Việt Nam. Theo đó, WHO khuyến cáo, mỗi người chỉ nên dùng 5g muối 1 ngày, và ở Việt Nam đang là 10g/người/ngàyTheo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta chủ yếu là từ muối và các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Bột canh, nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày, cùng với mì chính và muối tinh.
“Việt Nam lượng muối tiêu thụ gấp đôi so với khuyến cáo của WHO, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2020 và Chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để giảm mức tiêu thụ muối. Khác với các nước, tiêu thụ muối của Việt Nam chủ yếu là ở các hộ gia đình. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng qua chiến dịch này là vô cùng quan trọng ở Việt Nam”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Mặc dù muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn thừa muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Nếu chúng ta ăn mặn quá 5g muối mỗi ngày sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ phải cần thêm nước để duy trì ổn định nồng độ dịch thể. Đáp ứng với yêu cầu này, cảm giác khát nước sẽ xuất hiện làm cho người ăn mặn phải uống nhiều nước, điều này đồng nghĩa với việc tăng dung lượng máu và tăng áp lực lên thành mạch. Hiện tượng này kéo dài sẽ là một nguyên nhân quan trọng của tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, các bệnh tim mạch ngoài ra còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây những rối loạn khác cho sức khỏe.

Số liệu cho thấy hiện nay tại Việt Nam cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Trong năm 2016 ước tính toàn quốc có tới 81.800 trường hợp chết chỉ riêng do đột quỵ (chiếm tới 15% tổng số tử vong toàn quốc) và  67.500 trường hợp chết do bệnh tim thiếu máu cục bộ (chiếm 12% số tử vong). 
Trên cơ sở các khuyến nghị của WHO, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2018-2025 (tại Quyết định số 2033/QĐ-BYT ngày 28/3/2018).
Tư vấn cho Người bệnh giảm thiểu muối trong chế độ ăn tại khoa Nội tiết – Cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh
 
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, có ba nguyên tắc người dân nên nhớ: bớt muối khi nấu ăn; chấm thức ăn nhẹ tay và giảm đồ mặn khi lựa chọn thực phẩm, nấu nướng và ăn. Nên tự nấu ăn ở nhà để kiểm soát được lượng muối trong lúc chế biến thức ăn, đồng thời hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên. Tăng ăn thực phẩm tươi và tăng cường ăn các món luộc thay cho các món kho, rim hay rang. Đặc biệt, nên bỏ cách ăn hoa quả chấm các loại muối ớt, muối tiêu, muối tôm, bột canh và tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm. Thói quen chan nước mắm, nước kho thịt, nước kho cá vào cơm khi ăn cũng phải thay đổi. Dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt, rau thơm, nước ép hoa quả kết hợp dầu ô-liu để tăng hương vị cho món ăn, tạo cảm giác ngon miệng. Sử dụng nhiều thực phẩm từ trái cây, rau củ quả để tăng cường sức đề kháng và bổ sung vitamin. Tiêu thụ thực phẩm giàu kali vì kali có thể giúp làm giảm tác động của natri đối với huyết áp. Lượng kali được khuyến nghị cho thanh thiếu niên và người lớn là 4.700 mg / ngày. Các loại thực phẩm chứa nhiều kali như: chuối, các cây leo, rau xanh.

Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều Natri: cà muối, dưa muối, trứng muối, thịt muối, thịt gia cầm, cá đóng hộp, hun khói, sấy khô hoặc muối. Tránh các thực phẩm chế biến sẵn (giò, chả, pate, xúc xích), pho mát, bơ, rau quả đóng hộp, mỳ ăn liền, bánh mặn, snacks…
Chúng ta hãy cùng hành động, thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất. Giảm ăn muối để phòng chống bệnh tật. Tất cả vì một Việt Nam khỏe mạnh!
 
T/g: Vũ Thị Quỳnh – Trung tâm ĐT&CĐT

Công Nghệ Thông Tin