Bệnh Thalassemia và tương lai giống nòi

       Thalassemia là bệnh tan máu bẩm sinh, di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh phải điều trị suốt đời, nếu không được phát hiện sớm, điều trị đầy đủ sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động, ...
 
 
   
   
                                                      Hình ảnh: Bệnh nhân Thalassemia

    Việt nam có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, tỷ lệ người dân đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20-40%. Một trong những nguyên nhân chính là do kết hôn cận huyết.
    Việc điều trị bệnh nhân tan máu bẩm sinh chủ yếu là truyền máu và thải sắt. Chi phí điều trị cho bệnh nhân rất tốn kém có thể lên đến hàng tỷ đồng. Nhận thấy tầm quan trọng về tác hại của bệnh, Tổ chức y tế thế giới đã lựa chọn ngày 8/5 hàng năm là ngày Thalassemia thế giới nhằm mục tiêu tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho cộng đồng từ đó có thể giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ lưu hành gen bệnh, giảm chi phí điều trị, ...
    Bệnh tan máu bẩm sinh đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đến giống nòi, đời sống của người bệnh và cộng đồng. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chúng ta có hiểu biết đầy đủ và có biện pháp phòng tránh ngay từ đầu. Mỗi người dân cần có kiến thức, nhận thức đầy đủ về căn bệnh này để phòng bệnh một cách chủ động đúng với thông điệp ngày Thalassemia thế giới năm nay đề ra:“Cha mẹ hãy thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai giống nòi”.
  Để hạn chế bệnh tan máu bẩm sinh, các chuyên gia y tế khuyến cáo:
- Nam, nữ thanh niên nên tham gia hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám sàng lọc bệnh Thalassemia trước khi kết hôn.
- Nếu cả hai người cùng mang gen bệnh Thalassemia kết hôn với nhau, nên tư vấn trước khi dự định có thai.
- Nếu cặp vợ chồng cùng mang gen Thalassemia có thai, nên chẩn đoán trước sinh khi thai được 12-18 tuần tại cơ sở y tế chuyên khoa.
- Nên đến các bác sĩ chuyên khoa ngành huyết học, nhi khoa và di truyền học để được tư vấn chi tiết về bệnh Thalassemia.
Để có gia đình khỏe mạnh - hạnh phúc, vì chất lượng giống nòi và tương lai đất nước, hãy tích cực tham gia phòng bệnh Thalassemia.
                                                                 

                                                                                                                                                                                                 T/g: BS Trần Văn Sơn – NTHTKCBM

 

Công Nghệ Thông Tin