TĂNG KALI MÁU TRÊN BỆNH NHÂN SUY THẬN MẠN

Khoa Thận tiết niệu - Lọc máu bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận bệnh nhân nữ Nguyễn Thị P sinh năm 1940, địa chỉ Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, điều trị ngoại trú tại TTYT thành phố Từ Sơn, chưa phát hiện bệnh thận. Trước vào viện 8 ngày bệnh nhân thấy người mệt mỏi, ăn kém, phù hai chân được gia đình đưa đến bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám và được chẩn đoán Bệnh thận mạn giai đoạn V- Tăng huyết áp - Đái tháo đường typ II, được kê đơn về nhà điều trị ngoại trú. Sáng 20/7/2023 bệnh nhân xuất hiện mệt nhiều, run tay chân, không tự đi lại được, tiểu không tự chủ. Gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Bệnh nhân vào khoa Thận tiết niệu - Lọc máu trong tình trạng tiếp xúc chậm chạp, yếu tứ chi, không tự ngồi dậy được, tiểu không tự chủ, không phù, tim nhịp chậm tần số 48 ck/phút, huyết áp 140/80 mmHg, phổi rì rào phế nang đều hai bên, bụng mềm. Kết quả xét nghiệm: Điện tâm đồ có hình ảnh rung nhĩ, nhịp thất 48vck/phút, QT kéo dài. Kali máu 8,1mmol/l, ure 31mmol/l, creatinine 506 umol/l, glucose 7,0 mmol/l, hồng cầu 3,8 T/L, huyết sắc tố 10,9 G/L, khí máu động mạch: Biểu hiện nhiễm toan chuyển hóa, pH 7,30; pCO2 28; HCO3- 13,8; mức lọc cầu thận 7,46 ml/phút. Bệnh nhân được chẩn đoán tăng Kali máu - rối loạn nhịp tim/ Bệnh thận mạn giai đoạn 5/ Tăng huyết áp - Đái tháo đường. Bệnh nhân được khẩn trương điều trị tăng kali máu bằng các thuốc và chỉ định đặt cathter tĩnh mạch trung tâm để chạy thận nhân tạo cấp cứu. Sau hai lần thận nhân tạo và điều trị bằng thuốc bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, không run tay chân, đi lại bình thường, điện tâm đồ nhịp xoang đều tần số 80 ck/ phút. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị Bệnh thận mạn, kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường máu.
Ở bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối thường có rất nhiều nguy cơ do thận mất dần chức năng, một trong những biến chứng nguy hiểm đó là biến chứng do tang kali máu.
  • Vai trò của kali máu trong cơ thể:
Kali là một chất điện giải rất quan trọng của cơ thể con người với vai trò không thể thiếu trong các hoạt động thần kinh – cơ. Thừa Kali trong máu luôn là mối đe dọa đến tính mạng bệnh nhân do kali máu tăng, thường gây ra rối loạn nhịp tim nguy hiểm, nặng có thể dẫn đến ngừng tim.
Nồng độ kali máu bình thường từ 3.4 – 5 mmol/l. Khi lượng kali máu > 5mmol/l được gọi là tăng kali máu và khi nồng độ kali máu > 6.5 mmol/l có thể gây những rối loạn nhịp tim nguy hiểm cho bệnh nhân.
Lượng kali máu thay đổi phụ thuộc vào lượng kali ở trong tế bào, ngoài tế bào và lượng kali mất qua thận, qua tiêu hóa, qua mồ hôi.
Kali được đưa vào cơ thể chủ yếu qua thức ăn. Một phần là qua các tế bào trong cơ thể, như hồng cầu phân hủy giải phóng ra và đôi khi do tiêm truyền các loại thuốc, dịch có chứa nhiều kali dẫn đến tăng kali máu.
  • Tăng kali máu ở bệnh nhân bệnh thận mạn:
Thận là cơ quan chính điều hòa kali. Khi chức năng thận còn tốt, lượng kali máu không bao giờ vượt quá ngưỡng bình thường. Vì thế khi thận bị suy, đặc biệt những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải thận nhân tạo chu kỳ, lọc màng bụng, lượng kali luôn có xu hướng tăng cao trong máu.
Triệu chứng của tăng kali máu trên lâm sàng rất nghèo nàn, người bệnh chỉ thấy cảm giác yếu cơ, liệt cơ, đau mỏi các bắp tay, bắp chân, chuột rút, tê bì, dị cảm. Đặc biệt các triệu chứng tim mạch luôn là biến chứng nguy hiểm và thường gặp đó là người bệnh có cảm giác đánh trống ngực, nhịp tim đập không đều, nặng hơn có thể tụt huyết áp, ngừng tim, người bệnh sẽ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời
  • Điều trị tăng kali máu ở bệnh nhân bệnh thận mạn
  • Nguyên tắc chung:
+ Ngừng cung cấp kali dưới mọi hình thức ( chế độ ăn, uống, dùng thuốc)
+ Ngừng và tránh các thuốc có chứa kali
+ Ngừng, tránh các thuốc giữ kali ( lợi tiểu giữ kali, thuốc ức chế men chuyển..)
+ Điều trị nhiễm toan máu
+ Xét nghiệm theo dõi điện giải máu thường quy
  • Điều trị cụ thể:
Người bệnh suy thận mạn có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ do tăng kali máu, ngay lập tức dừng tất cả các nguồn đưa kali vào cơ thể. Sau đó nhanh chóng xác định xem người bệnh có tăng kali máu không. Nếu có tăng kali máu thì nhanh chóng làm giảm nồng độ kali máu bằng các biện pháp:
+ Dùng thuốc đối kháng làm giảm hoặc mất tác dụng gây loạn nhịp tim của kali bằng truyền canxi
+ Đưa kali từ máu vào trong tế bào bằng truyền insulin nhanh với dung dịch đường glucose 10% hoặc 20%; Kiềm hóa máu bằng dung dịch natribicarbonate
+ Loại bỏ kali thừa ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp: Tăng thải kali qua nước tiểu bằng thuốc lợi tiểu mạnh ( nếu bệnh nhân còn đi tiểu được), Thận nhân tạo (lọc máu chu kỳ hoặc lọc máu liên tục) để loại kali máu ra ngoài. Có thể dùng nhựa trao đổi ion để loại bỏ kali qua đường tiêu hóa bằng cách cho người bệnh uống Calci polystyrene sulfonate 20-30 g kết hợp với sorbitol.
Ở người bệnh mắc bệnh thận mạn phải luôn cảnh giác việc tăng kali máu vì vậy cần chú ý đến một số biện pháp dự phòng: không uống, tiêm truyền thuốc hoặc dung dịch có chứa kali, chế độ ăn hàng ngày phải tránh những thực phẩm có chứa nhiều kali như Hoa quả: Cam, quýt, bưởi, chuối, hồng xiêm; Trái cây sấy khô: Mận khô, nho khô… Rau sẫm màu, rau muống, khoai tây, khoai lang, đỗ các loại, rau rền… và thường xuyên chú ý những dấu hiệu của tăng kali máu, khám sức khỏe định kỳ và khi có bất thường. Tuân thủ đúng lịch lọc máu chu kỳ để loại bỏ lượng kali thừa.
 Những người bệnh mắc bệnh thận mạn tính nên khám sức khỏe định kỳ bởi các bác sỹ chuyên  ngành Thận tiết niệu – Lọc máu là biện pháp hữu hiệu để phát hiện và điều trị kịp thời tăng kali máu.
Khoa Thận tiết niệu - Lọc máu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh khám và điều trị các bệnh lý về Thận học, Tiết niệu, Lọc máu. Với đội ngũ y bác sỹ được đào tạo chuyên sâu, đảm bảo chất lượng chuyên môn, hệ thống trang thiết bị hiện đại, là địa chỉ tin cậy khám, tư vấn và chữa bệnh cho người bệnh mắc các bệnh lý về thận, tiết niệu, lọc máu.
T/g: Đỗ Bá Hiển - Khoa Thận TN-LM

Quản trị tin tức