NHỮNG NGƯỜI LÍNH ÁO TRẮNG TRÊN TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH

      Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh là tuyến cuối trong điều trị bệnh nhân covid-19 của tỉnh, tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh nhân covid-19 mức độ nặng trở lên, các trường hợp mắc Covid-19 có bệnh lý kèm theo vượt khả năng điều trị của tuyến huyện.  

      Tính đến 6h00 ngày 09/3/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang điều trị 40 bệnh nhân tại Đơn nguyên Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại nhà A1, 170 bệnh nhân tại khoa Truyền nhiễm (nhà A4, nhà A2). Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với số lượng ca mắc và các bệnh nhân covid-19 có dấu hiệu nặng có xu hướng gia tăng, đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện nỗ lực đêm ngày thực hiện nhiệm vụ, hết lòng chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

  

      Trung tâm Hồi sức tích cực – Nhà A1 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh có quy mô 100 giường bệnh, được trang bị đầy đủ hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại gồm các hệ thống máy lọc máu, hệ thống máy can thiệp ECMO, hệ thống ô xy khí nén trung tâm, máy Monitor theo dõi, máy thở, bơm tiêm điện,…. để điều trị các bệnh nhân nặng, bệnh nhân có bệnh lý nền, có nhiều triệu chứng. Giấu mình trong bộ đồ bảo hộ, đội ngũ y bác sỹ làm việc tại khu vực này luôn phải chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19 nặng.

      Ths Phan Bảo Trung – Phó trưởng khoa Hồi sức Tích cực/Phụ trách Đơn nguyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại nhà A1 cho biết: “Trong số 40 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Đơn nguyên, có 10 bệnh nhân nặng phải thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục, đa số là các bệnh nhân già yếu, nhiều diễn biến, diễn biến nhanh, nhiều bệnh nền như xơ gan, lọc máu,... “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với khối lượng công việc nhiều, chúng tôi phải căng mình làm việc với cường độ cao, các nhân viên đều lăn xả vào công việc, với tinh thần quyết tâm cao nhất để theo dõi sát, điều trị tích cực cho bệnh nhân. Các điều dưỡng luôn tay luôn chân, vừa tiêm truyền thuốc, thay băng, hút đờm, vừa phải quan sát các chỉ số sinh tồn trên monitor và còn hỗ trợ vệ sinh, ăn uống cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị tâm lý, lo lắng thường xuyên, bên cạnh việc điều trị chúng tôi còn phải động viên, hỗ trợ tâm lý, vỗ rung và kiên trì hướng dẫn bệnh nhân tập phục hồi chức năng để giúp bệnh nhân cải thiện chức năng hô hấp, tăng khả năng tống thải đờm dịch. Bệnh nhân tiến triển tích cực hàng ngày, được chuyển sang khoa Truyền nhiễm hoặc đủ tiêu chuẩn ra viện là niềm hạnh phúc của chúng tôi”.

 


      Tại nơi lằn ranh sinh tử mong manh mà rõ rệt này, không khí làm việc luôn khẩn trương và căng thẳng. Những tiếng bíp bíp kêu dồn dập mà dài vô tận, đèn đỏ máy thở thì nháy liên tục, trong bộ đồ bảo hộ cấp 4 kín mít, các y bác sỹ nhóm thì ép tim cấp cứu, nhóm thì đặt nội khí quản, người thì tiêm truyền, người thì thay rửa, vỗ rung, tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân,… tất cả chỉ mong cứu sống được bệnh nhân. Chính vì vậy, nơi đây mỗi ngày đều có rất nhiều cung bậc cảm xúc, có những đau xót bất lực khi bệnh nhân không qua khỏi, có hạnh phúc vỡ òa khi cứu sống được bệnh nhân nặng, bệnh nhân nặng được “hạ tầng” điều trị. Dù thế nào thì tất cả đội ngũ nhân viên ở đây đã luôn nỗ lực hết mình đến giây phút cuối cùng để cứu bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần.

      Tại khoa Truyền nhiễm (nhà A4, A2) hiện đang điều trị cho gần 200 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh nhân tuổi cao, có bệnh nền. BSCKII Nguyễn Văn Dũng – Trưởng khoa Truyền nhiễm chia sẻ: Hàng ngày tôi cùng các bác sỹ đi buồng để kiểm tra tình trạng của từng bệnh nhân, lưu tâm nhiều đến các ca bệnh có nhiều bệnh lý nền kèm theo, chỉ số sinh tồn, xét nghiệm bất thường, để kịp thời điều chỉnh y lệnh, can thiệp (nếu cần). Sau giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, mọi người lại trong trang phục bảo hộ tiếp tục hành trình cao cả với quyết tâm cao mỗi ngày thêm nhiều bệnh nhân được ra viện, phấn đấu không để bệnh nhân chuyển nặng phải chuyển sang khu A1. Các anh chị em đều phải làm việc cả thứ 7, chủ nhật để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Cảm động có nhiều y bác sỹ mắc covid-19 khi vào khu cách ly tích cực hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc, thăm khám bệnh nhân.

 

   Nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19 cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng, Bệnh viện thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải phát sinh từ hoạt động điều trị, chăm sóc, cách ly người nhiễm SARS-CoV-2 theo đúng quy định, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Trong đó tuân thủ nguyên tắc tất cả rác thải phải được thu gom, phân loại, xử lý ngay tại nơi phát sinh, đặc biệt là tại các khu vực sàng lọc, cách ly, điều trị bệnh nhân.

     BSCKII Hoàng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bệnh viện thực hiện mục tiêu “kép”, vừa chống dịch, vừa đảm bảo dịch vụ khám chữa bệnh an toàn, chất lượng đến người dân. Hiện Bệnh viện đang thiếu nhân lực do số lượng người mắc Covid-19 tăng cao, nhiều nhân viên y tế nghỉ ốm do nhiễm Covid-19. Ngoài ra, Bệnh viện còn tăng cường, biệt phái nhân lực về hỗ trợ trạm y tế các huyện. Nhìn chung, cả Bệnh viện đều đang căng mình chống dịch. Lãnh đạo Bệnh viện ghi nhận, trân trọng và tôn vinh những đóng góp, nỗ lực không ngừng nghỉ, những sự hi sinh lặng thầm không thể kể hết của các nhân viên y tế”.

        Đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện đã và đang nỗ lực bền bỉ trong “cuộc chiến” giành giật sự sống cho các bệnh nhân. Mỗi người dân hãy thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, cùng những “chiến binh áo trắng” quyết tâm chung tay chiến thắng dịch Covid-19./.
 

Hoàng Thu Nga - Phòng CTXH