NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH GLÔCÔM “HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ GLÔCÔM THẾ GIỚI 2023”

BỆNH GLOCOM
Glôcôm là nguyên nhân thứ 2 (sau bệnh đục thuỷ tinh thể ) gây mù loà cho người ở hầu hết các khu vực trên thế giới
Ước tính sẽ có khoảng hơn 80 triệu người mắc bệnh vào năm 2021 chiếm tỷ lệ 2,86% ở những người hơn 40 tuổi trên toàn cầu, trong đó 11,2 triệu người bị mù do bệnh
Đa số những người mù đang sống tại các nước đang phát triển, đặc biệt là người dân sống ở nông thôn, thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt ( 47% bệnh nhân thuộc về châu Á)
1.Những người có nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm:
Nguy cơ dễ mắc bệnh glôcôm không phân biệt lứa tuổi và chủng tộc. Tuy nhiên, một số nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh glôcôm và cần được kiểm tra mắt thường xuyên như:
- Người trên 40 tuổi;
- Người có bệnh tiểu đường hay tăng huyết áp;
- Người có tiền căn gia đình đã mắc bệnh glôcôm;
- Người bị viễn thị, giác mạc (tròng đen) nhỏ;
- Người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid đường toàn thân hoặc tra mắt trong thời gian dài, cận thị nặng, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt,…
Các chuyên gia Bệnh viện Mắt Trung ương cảnh báo vấn đề đáng báo động về việc người dân lạm dụng và tựu ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị Glôcôm do tra steroid (thuốc nhỏ mắt để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc) kéo dài.
2. Triệu chứng cơ bản có thể nhận biết sớm của bệnh Glôcôm
Bệnh Glôcôm có nhiều thể bệnh và nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy triệu chứng biểu hiện cũng rất khác nhau tùy thể loại bệnh. Trong đó, Glôcôm chủ yếu được chia làm 2 thể bệnh chính là Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở. Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn sớm của 2 thể bệnh này, triệu chứng biểu hiện không rõ ràng và thường bị bỏ qua.
– Nhức mắt, nặng mắt thoáng qua: bệnh Glôcôm xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm trong thời gian dài, nhiều bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt, một số trường hợp đôi khi thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhức quanh hốc mắt.
– Mờ mắt thoáng qua: ở giai đoạn sớm khi tình trạng nhãn áp tăng lên có thể làm nhìn mờ như sương mù hoặc nhìn nhòe trong 1 thời gian ngắn. Sau đó, khi áp lực mắt giảm xuống, bệnh nhân nhìn rõ trở lại, triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhưng mờ mắt thoáng qua xảy ra cùng lúc với nhức mắt là dấu hiệu nghi ngờ rõ nhất của bệnh Glôcôm.
– Nhìn thấy quầng xanh đỏ: khi nhãn áp tăng, bệnh nhân đôi khi sẽ thấy quầng sáng xanh đỏ khi nhìn vào đèn. Tình trạng này có thể kéo dài cả buổi và lập đi lập lại trong một khoảng thời gian.
– Nhức đầu: nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh trong đó cao huyết áp là bệnh thường hay nghĩ đến hơn là bệnh Glôcôm. Vì vậy, khi các triệu chứng nhức đầu kèm theo nhức mắt, mờ mắt thì cần phải đi khám thêm bác sĩ chuyên khoa
Triệu chứng điển hình của Glôcôm Cơn cấp: 
Đột nhiên bệnh nhân thấy đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên. Kèm theo bệnh nhân nhìn thấy mờ nhiều, nhìn đèn có quầng xanh đỏ. Đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rử mắt. Khám mắt thấy mi mắt sưng nề, mắt đỏ theo kiểu cương tụ rìa, giác mạc phù nề mờ đục có bọng biểu mô, tiền phòng nông, đồng tử dãn méo mó mất phản xạ với ánh sáng, thể thuỷ tinh phù nề đục màu xanh lơ có thể có các vết rạn bao trước, dịch kính phù nề. Đáy mắt trong cơn cấp diễn khó soi được do phù nề các môi trường trong suốt, những trường hợp soi được đáy mắt thấy gai thị hồng có thể có xuất huyết quanh gai. Nhãn áp tăng cao trên 30mmHg có thể trên 60 mmHg, nếu sờ tay thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi
3.Điều trị và phòng bệnh Glocom
Bệnh glôcôm là một cấp cứu nhãn khoa. Hạ nhãn áp là biện pháp tin cậy nhất trong điều trị glôcôm. 
Điều trị glôcôm có thể dùng thuốc, laser hoặc phẫu thuật. Lựa chọn phương pháp điều trị nào phải dựa trên hình thái bệnh, giai đoạn bệnh và đáp ứng của từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra cũng cần lưu ý đến yếu tố kinh tế, xã hội, địa lí. Ví dụ một bệnh nhân ở xa, hoàn cảnh kinh tế không cho phép hoặc bệnh nhân không tuân thủ điều trị thì cần cân nhắc chỉ định phẫu thuật.
Mục đích của việc điều trị Glôcôm là ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Bệnh nhân khi mắc bệnh Glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.
Bệnh glôcôm vẫn có thể tiến triển ngay cả khi bệnh nhân được điều trị đúng cách. Do vậy, bệnh nhân cần được lập hồ sơ theo dõi suốt đời, khám định kì 3-6 tháng một lần. Cần theo dõi qua trình điều trị với những đánh giá nhãn áp, thị trường, tình trạng gai thị trước và trong suốt qua trình điều trị.
Theo dõi còn giúp đánh giá sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Việc điều trị không thể đạt kết quả như ý nếu bệnh nhân không tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dùng thuốc và kiểm tra định kì theo hẹn.
Các bác sĩ khuyên, bệnh Glôcôm có yếu tố di truyền nên người bệnh và những người ruột thịt của bệnh nhân cần có kiến thức để phát hiện bệnh Glôcôm sớm và đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị kịp thời./.
T/g: Ngô Thuý Hằng

Quản trị tin tức