HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ THÁNG CÔNG NHÂN NĂM 2022

Nhằm nâng cao nhận thức, sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), đẩy mạnh thực hiện kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc; chăm sóc sức khỏe người lao động, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), ngày 28/3/2022 UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch số 178/KH-UB về triển khai tháng hành động về ATVSLĐ và tháng công nhân năm 2022.

Với chủ đề "Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, tháng hành động về ATVSLĐ và tháng Công nhân năm 2022 được tổ chức từ ngày 01/5/2022 - 31/5/2022, nhằm thúc đẩy các chương trình hành động, biện pháp cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở, đảm bảo an toàn, duy trì và phát triển sản xuất, thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng chống dịch bệnh.

 Theo đó, các sở, ban ngành cần tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ; phòng ngừa TNLĐ, BNN và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu qủa dịch bệnh Covid-19; tăng cường các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình ATVSLĐ; hướng dẫn, tư vấn cụ thể về kỹ năng, quy trình làm việc an toàn, các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ tới người sử dụng lao động, người lao động; các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động khi tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN. Đối với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường tổ chức các hoạt động tập huấn, huấn luyện chuyên đề về ATVSLĐ cho nhân viên y tế trong phòng chống dịch.

Trách nhiệm của người lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc:

  • Chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
  • Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao.
  • Phải tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trước khi sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
  • Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây mất an toàn, vệ sinh lao động, hành vi vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi biết tai nạn lao động, sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 Để thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động:
  • Người sử dụng lao động phải thường xuyên phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở để tổ chức cho người lao động tham gia hoạt động cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc;
  • Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường vào hoạt động nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.
Có thể nói, an toàn lao động có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với người trực tiếp lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển chung đối với nền kinh tế và toàn xã hội. Nói cách khác, khi vấn đề an toàn và vệ sinh lao động được thực hiện hiệu quả là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm gánh nặng đối với xã hội. Mặt khác, người lao động là một nhân tố quan trọng, lực lượng sản xuất tạo ra sự phát triển chung của xã hội. Khi các tai nạn lao động được giảm thiểu xuống mức thấp nhất thì người lao động yên tâm làm việc. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người lao động được nâng cao, kinh tế gia đình có điều kiện được cải thiện và trên phương diện chung, thúc đẩy xã hội phát triển theo
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thông qua các hoạt động Tháng Công nhân năm 2022 nhằm khơi dậy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, đồng thời phát huy vai trò tiên phong, tinh thần trách nhiệm của giai cấp công nhân Việt Nam trong thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh tế từ đại dịch Covid-19./.
 

Hoàng Thu Nga - Phòng CTXH