HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG KHÁNG KHÁNG SINH Ở TRẺ NHỎ

Mỗi năm trên thế giới có gần 1 triệu trẻ em tử vong do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. 33% người bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Hiện nay xuất hiện nhiều loại vi khuẩn “siêu kháng thuốc”. Việt Nam là nước trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng là nguyên nhân căn bản đưa nước ta trở thành nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Kháng kháng sinh không chỉ ảnh hưởng tới công tác chăm sóc y tế mà còn giảm cơ hội được cứu chữa bệnh của mọi người đặc biệt là đối với trẻ em.
Vậy kháng kháng sinh là gì?
- Kháng sinh là thuốc dùng để ngăn ngừa và điều trị các trường hợp viêm nhiễm do vi khuẩn.
- Kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn và không có tác dụng trên virus.
- Kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn biến đổi để chống lại tác dụng của kháng sinh.
- Kháng kháng sinh bản chất là 1 hiện tượng tiến hóa tự nhiên. Tuy nhiên việc sử dụng sai kháng sinh ở người và động vật khiến tình trạng này xảy ra nhanh hơn rất nhiều.
- Kháng kháng sinh gây tốn kém tiền của khiến bệnh kéo dài hơn và gia tăng nguy cơ tử vong.
Năm biện pháp sử dụng kháng sinh an toàn và hiệu quả cho bé
1. Hãy mạnh dạn hỏi bác sĩ về đơn thuốc của bé, đâu là thuốc kháng sinh và lý do bác sĩ sử dụng kháng sinh
Không tự ý yêu cầu bác sĩ kê thêm thuốc kháng sinh cho con mình.
2. Dùng hết đơn thuốc kháng sinh dù thấy trẻ đã đỡ bệnh. Việc tự ý ngừng thuốc sẽ gây ra nguy cơ kháng kháng sinh ở trẻ. Không giữ thuốc lại để tự dùng cho lần ốm sau.
3. Không dùng đơn kháng sinh của người khác cho con mình. Không chia sẻ đơn thuốc của con mình cho trẻ khác mặc dù có các triệu chứng tương tự.
4. Ghi lại những lần sử dụng kháng sinh: Tên thuốc, liều dùng, thời gian dùng và bất kỳ tác dụng phụ nào xuất hiện ở trẻ. Chia sẻ các thông tin này với bác sĩ mỗi khi bé được kê đơn kháng sinh để hỗ trợ bác sĩ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp nhất.
5. Hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ cách xử lý nếu bạn quên hoặc bỏ lỡ một liều kháng sinh cho trẻ.
Ngoài ra cần chú ý
- Tiêm chủng cho bé đầy đủ.
- Rửa tay thường xuyên.
- Tránh tiếp xúc với người ốm.
- Ăn chín uống sôi.
- Tăng cường sức đề kháng tự nhiên của cơ thể bằng chế độ ăn đủ, cân đối thịt, cá, trứng, sữa… và các loại rau củ quả.
Nguồn: Sở y tế

Phạm Thị Thu Hà - Phòng CTXH