COVID-19 LÀ BỆNH NHÓM B: GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG THẾ NÀO?

Là sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội, Nguyễn Thị K.O. quê ở xã Đông Thọ (Yên Phong) được xét nghiệm, khẳng định mắc sốt xuất huyết sau khi 3 người khác trong cùng khu trọ và cùng phòng trọ phải nhập viện trước đó. Do quá tải điều trị, bệnh viện cho xuất viện và yêu cầu theo dõi sức khoẻ tại nhà.
Về quê nghỉ ngơi, K.O tiếp tục sốt cao khoảng 40 độ C trong 3 ngày, sau đó nổi ban đỏ. Thấy tình trạng ban đỏ ngày càng nặng, bệnh nhân được gia đình đưa khám, nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh những biểu hiện ban đỏ dày đặc ở hai bên cánh tay và chân của bệnh nhân K.O thuộc diện nặng, điển hình của bệnh sốt xuất huyết: “Khi vào viện, bệnh nhân đã nổi ban đỏ rất dày. Thường thì ở bệnh nhân sốt xuất huyết như thế này, ban đỏ nổi trong khoảng ngày thứ 5, 6 kể từ khi khởi phát. Da sung huyết đỏ sẽ chuyển thâm dần và tạo thành các chấm xuất huyết đen trên da, khoảng chục ngày sau mới hết”. Bệnh nhân ăn được ít nên các y bác sĩ dặn dò kỹ về việc ăn đồ mềm, đồ nguội, chia làm nhiều bữa nhỏ.
Từ đầu năm đến hết tháng 10, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận gần 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, số ít ca ghi nhận rải rác trong những tháng đầu năm, còn lại dồn dập và tăng từ tháng 8 đến nay, trong đó đỉnh điểm là hai tháng 9 và 10. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Hiển cho biết: “Có những ngày số bệnh nhân sốt xuất huyết chiếm đến một nửa số giường bệnh tại khoa. Cao điểm như ngày 22 và 23-10, khoa điều trị cho 45 bệnh nhân. Có một số bệnh nhân phải truyền từ 2 đến 4 khối tiểu cầu. Không ít trường hợp vào viện khi đã bước vào ngày 4-5 nên tình trạng khá nặng, được theo dõi y tế sát sao. Khi thể trạng lâm sàng bệnh nhân tốt lên, tiểu cầu tăng lên được giới hạn cho phép, bệnh nhân được xuất viện, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng”.
Do ảnh hưởng của diễn biến thời tiết thất thường, tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay cũng có sự khác biệt so với mọi năm. Những năm trước đây, phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện là sinh viên đi học ngoại tỉnh, chủ yếu là từ Hà Nội thì năm nay, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đa dạng, nhiều lứa tuổi khác nhau, có không ít trường hợp nhiều thành viên trong một gia đình cùng nhập viện vì sốt xuất huyết. Một số người còn chủ quan với sốt xuất huyết, tự mua thuốc, điều trị tại nhà nên không được theo dõi y tế sát, đến khi nhập viện thì tình trạng khá nặng.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám một bệnh nhân sốt xuất huyết.
Như trường hợp một nữ bệnh nhân trẻ sinh năm 1995 ở phường Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh) vào viện cấp cứu khi quá mệt mỏi, chảy máu cam. Khoa Truyền nhiễm phải mời hội chẩn chuyên khoa Tai Mũi Họng và quyết định đặt merocel để cầm máu. Bên cạnh đó, có bệnh nhân phải xét nghiệm máu theo giờ để theo dõi sự tăng giảm của tiểu cầu.
Bác sĩ Trưởng khoa Truyền nhiễm Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm: Khoảng 10 năm trở lại đây, sốt xuất huyết được ghi nhận liên tục, trong đó năm 2017 dịch bùng phát mạnh. So với vài năm gần đây, thì dịch sốt xuất huyết năm nay tăng cao rõ rệt. Nếu như mấy năm trước, bình quân khoa tiếp nhận từ 100-200 ca sốt xuất huyết mỗi năm, thì chưa hết năm 2023, có gần 300 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tỉnh. Các tháng cao điểm, trung bình có từ 5-10 ca nhập viện một ngày, hiện thường xuyên có xấp xỉ 30 bệnh nhân điều trị tại khoa, phần lớn bệnh nhân có triệu chứng trung bình và nặng”.
Điển hình, một số bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo tình trạng nặng thông qua các triệu chứng như: Sốt cao, đau đầu, nôn, đau bụng vùng gan, đi ngoài phân lỏng, xuất hiện các xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc, chảy máu cam, chảy máu chân răng, huyết áp thấp, có tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, màng bụng, tổn thương gan, men gan tăng cao… Đặc biệt, số bệnh nhân có chỉ số tiểu cầu dưới 20 g/L chiếm tỉ lệ khoảng hơn 10%, còn khoảng 5% bệnh nhân có tiểu cầu dưới 10g/L, nguy cơ phải truyền tiểu cầu rất cao.
Về vấn đề điều trị, bác sĩ Dũng khuyến cáo, tất cả bệnh nhân có dấu hiệu sốt cần đến khám tại cơ sở y tế để có chẩn đoán xác định do giai đoạn đầu, sốt xuất huyết rất dễ bị nhầm lẫn với các loại bệnh sốt truyền nhiễm khác. Đối với các bệnh nhân đã được chẩn đoán sốt xuất huyết, cần được theo dõi sát hằng ngày tại cơ sở y tế để đánh giá đúng tình trạng nặng lên của bệnh, kịp thời xử trí nếu có diễn biến bất thường.
Theo thông tin tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến tuần 27 số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức thấp (dưới 3 ca/tuần), tuy nhiên, bắt đầu từ tuần 28, số ca mắc có xu hướng tăng và tăng mạnh từ tuần 30 đến tuần 37, từ tuần 38 đến tuần 43 số ca mắc không ổn định, tăng giảm liên tục, tuy nhiên số ca mắc luôn duy trì ở mức cao và tăng lên tại các địa phương, giảm đi tại các ổ dịch. Trong hai tuần 42 và 43, mỗi tuần đều ghi nhận 137 ca, trong đó gần 80% số ca mắc là các ca mắc rải rác tại các huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn cho thấy mầm bệnh đã lây lan mạnh trong cộng đồng.
Thời tiết ấm nóng rồi mưa nhiều như những ngày vừa qua vẫn là yếu tố thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh phát triển. Bắc Ninh là tỉnh có vị trí giao thông thuận lợi, thông thương lớn, nhiều khu công nghiệp, việc di biến động dân cư lớn và mật độ dân cư đông là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan. Việc thực hiện các biện pháp phòng dịch như tăng cường vệ sinh môi trường, thường xuyên loại bỏ môi trường sống của loăng quăng, bọ gậy vẫn là yếu tố tiên quyết để đẩy lùi dịch sốt xuất huyết.
Nguồn: Baobacninh.com.vn

Trần Đình Tùng - Phòng CTXH