Dự phòng và xử trí phơi nhiễm nghề nghiệp

Tiêm là một thủ thuật xâm lấn, phổ biến nhất trong y tế. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi năm toàn thế giới có khoảng 16 tỉ mũi tiêm, 90-95% mũi tiêm (trung bình 1,5 mũi tiêm/người/năm) nhằm mục đích điều trị, 5-10% mũi tiêm dành cho dự phòng. Nhưng, khoảng 70% các mũi tiêm sử dụng trong điều trị thực sự là không cần thiết và có thể thay thế được bằng đường uống. Nhiều loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc vitamin sử dụng  đường uống có tác dụng ngang bằng với thuốc tiêm và an toàn hơn.

Hàng năm tiêm không an toàn gây lên: 1,3 triệu ca chết sớm; mất 26 triệu năm sống; tổn thất kinh phí gián tiếp 535 triệu USD/năm. Nhiễm khuẩn đường máu mới ước tính: 22 triệu ca HBV (1/3 tất cả các ca nhiễm khuẩn); 2 triệu ca HCV (40% các ca nhiễm khuẩn); 260.000 ca HIV (5% các ca nhiễm khuẩn). Tỉ lệ nhiễm virus mới của nhân viên y tế: HBV 6-30/100 trường hợp; HCV 3-10/100 trường hợp, HIV 1/300 trường hợp.
Phơi nhiễm nghề nghiệp phổ biến nhất là máu; Tổn thương gây nhiễm khuẩn phổ biến nhất là do kim tiêm. Tai nạn rủi ro nghề nghiệp do kim tiêm và các vật sắc nhọn nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của NVYT và làm cho NVYT đứng trước nguy cơ phơi nhiễm cao: HBV (kim xuyên da): 22-40%; HCV (kim xuyên da): 10%; HIV (kim xuyên da): 0,3%; HIV (niêm mạc): 0,09%; HIV (da không lành lặn): 0,01%.
Tổn thương do kim tiêm không chỉ xảy ra đối với người bệnh, nhân viên y tế những người trực tiếp thực hiện các quy trình kỹ thuật, mà còn có thể xảy ra đối với cả những cán bộ hộ lý, công nhân vệ sinh, nhân viên hành chính và khách đến thăm. Theo nghiên cứu của Angela K. Laramia, USA Masachuset 2002-2005, SIGN, WHO 2008: điều dưỡng 44-72%; bác sĩ 28%; nhân viên/KTV xét nghiệm 15%; Hộ lý, nhân viên làm vệ sinh 3-16%; nhân viên hành chính và khách 1-6%.
Những hành vi nguy cơ liên quan đến tiêm: lạm dụng tiêm; dùng lại bơm kim chưa qua xử lý an toàn; động tác thực hành gây nguy cơ cho người được tiêm; phân loại, thu gom, xử lý chất thải sau tiêm chưa đảm bảo an toàn.
Các phương thức phơi nhiễm nghề nghiệp: Vật sắc nhọn nhiễm khuẩn xuyên thấu da (qua tiêm, truyền, chọc dò, kim khâu, dao mổ ...), máu, dịch cơ thể của người bệnh bắn vào các vùng da bị tổn thương của NVYT khi làm thủ thuật (vết bỏng, da viêm loét, niêm mạc mắt, mũi, họng ...), da của NVYT bị xây xước tiếp xúc với máu và dịch sinh học của người bệnh.
Các biện pháp dự phòng để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm: Hạn chế tiêm truyền khi không cần thiết; Sử dụng các thiết bị thay thế không kim để nối các phần của hệ thống đường truyền tĩnh mạch, hoặc sử dụng các kim loại luồn an toàn; Đào tạo NVYT thực hành tiêm an toàn; Tránh truyền tay các vật sắc nhọn và thận trọng khi chuyền vật sắc nhọn, đặt vật sắc nhọn vào khay để đưa đồng nghiệp; Bố trí bàn tiêm, bàn thủ thuật trong tầm với của hai tay; Sử dụng các phương tiện thu gom vật sắc nhọn đạt quy chuẩn; Không đậy nắp kim trước và sau kỹ thuật để phòng ngừa tổn thương; Trong phẫu thuật, nên mang hai găng, có thể áp dụng một số kỹ thuật thực hành an toàn như mổ ít xâm lấn nhất và dùng phương pháp đốt điện để rạch, dùng kẹp để đóng vết mổ; Không được để kim tiêm vương vãi ở ngoài môi trường; Thực hiện đúng quy trình thu gom vận chuyển rác thải y tế, đặc biệt là lưu giữ, vận chuyển và tiêu hủy an toàn chất thải là vật sắc nhọn; Cung cấp đầy đủ các phương tiện phòng hộ thích hợp (xe tiêm, bơm kim tiêm, kim lấy thuốc, cồn sát khuẩn tay, hộp đựng vật sắc nhọn...); Tuân thủ quy trình báo cáo, theo dõi và điều trị sau phơi nhiễm.
Các bước xử trí tai nạn rủi ro nghề nghiệp do phơi nhiễm với máu và dịch cơ thể:
1. Sơ cứu ngay sau phơi nhiễm

 
Tổn thương hoặc phơi nhiễm Xử lý
Tổn thương do kim tiêm hoặc do vật sắc nhọn 1.Rửa ngay vùng da bị tổn thương bằng xà phòng và nước dưới vòi nước chảy
2. Để máu ở vết thương tự chảy, không nặn bóp vết thương
3. Băng vết thương lại
Bắn máu và/hoặc dịch cơ thể lên da bị tổn thương 1. Rửa ngay vùng da bị tổn thương bằng xà phòng và nước dưới vòi nước chảy
2. Băng vết thương lại
3. Không sử dụng thuốc khử khuẩn trên da
4. Không cọ hoặc chà khu vực bị tổn thương
Bắn máu hoặc dịch cơ thể lên mắt 1.Xả nước nhẹ nhưng thật kỹ dưới dòng nước chảy hoặc nước muối 0,9% vô khuẩn trong ít nhất 5 phút trong lúc mở mắt, lộn nhẹ mi mắt.
2.Không dụi mắt
Bắn máu và/hoặc dịch cơ thể lên miệng hoặc mũi 1. Nhổ khạc ngay máu hoặc dịch cơ thể và xúc miệng bằng nước nhiều lần
2. Xỉ mũi và rửa sạch vùng bị ảnh hưởng bằng nước hoặc nước muối 0,9% vô khuẩn
3. Không sử dụng thuốc khử khuẩn
4. Không đánh răng
Bắn máu và/hoặc dịch cơ thể lên da nguyên vẹn 1. Rửa khu vực bị vấy máu hoặc dịch cơ thể ngay bằng xà phòng và nước dưới vòi nước chảy
2. Không chà sát khu vực bị vấy máu hoặc dịch

2. Báo cáo người phụ trách và làm biên bản: Ghi lại đầy đủ các thông tin như: Ngày, giờ, hoàn cảnh xảy ra tai nạn rủi ro, đánh giá vết thương, mức độ nguy cơ của phơi nhiễm. Lấy chữ ký của những người chứng kiến và chữ ký của người phụ trách.
3. Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm:
- Có nguy cơ: Tổn thương do kim dính máu đâm xuyên qua da gây chảy máu; Tổn thương da sâu do dao mổ hoặc ác ống nghiệm chứa máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bọ vỡ đâm phải; Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét hoặc xây sát từ trước.
- Không có nguy cơ: Máu và dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành.
4. Xác định tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm: Đánh giá nguy cơ dựa vào triệu chứng lâm sàng của người bệnh nguồn. Người bệnh đã được xác định HIV (+): Tìm hiểu các thông tin về tiền sử và đáp ứng với thuốc ARV. Nếu chưa biết tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm: Tư vấn và lấy máu xét nghiệm HIV.
5. Xác định tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm: Tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV theo qui định. Nếu ngay sau khi phơi nhiễm, người bị phơi nhiễm có HIV (+): Đã bị nhiễm HIV từ trước không phải do phơi nhiễm. Nếu HIV(-): kiểm tra lại sau 3 và 6 tháng. Xét nghiệm công thức máu và chức năng gan (ALT) khi bắt đầu điều trị và sau 2-4 tuần. Xét nghiệm HIV sau 3 và 6 tháng. Hỗ trợ tâm lý nếu cần thiết.
6. Tư vấn và điều trị sau phơi nhiễm: Người được xác định là phơi nhiễm với máu, dịch cơ thể và vật sắc nhọn từ nguồn có chứa HIV, HBV, HCV cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm để được tư vấn, và điều trị dự phòng càng sớm càng tốt. 
         Tác giả: CN Lê tiến Tú - Phó trưởng khoa KSNK

Quản trị tin tức