PHÒNG CHỐNG THỪA CÂN BÉO PHÌ Ở TRẺ EM

            Thừa cân-béo phì (TC-BP) là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe, TC-BP gặp cả nam và nữ và các lứa tuổi. Hiện nay, TC-BP ở trẻ em đang là vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.  Kết quả của cuộc điều tra cho thấy, học sinh tiểu học ở thành phố có tỉ lệ thừa cân béo phì rất cao 41,9% và nông thôn 17,8%, tỉ lệ thấp còi tương ứng là 3,9% và 10,7%. Học sinh trung học cơ sở thì thừa cân béo phì là 30,5% ở thành thị và ở nông thôn là 11,2%, mặc dù vậy tỉ lệ thấp còi lên tới 20,1% ở nông thôn và 3,8% ở thành thị.
Học sinh trung học phổ thông thì tỉ lệ thừa cân béo phì thấp hơn so với học sinh tiểu học và THCS, nhưng tỉ lệ này ở thành thị cũng cao hơn vùng nông thôn, lần lượt là 13,5% và 6,2%, tỉ lệ thấp còi ở học sinh THPT nông thôn vẫn chiếm tỉ lệ cao 14,9% và 8,6% là học sinh thành thị.
Nguyên nhân của thừa cân béo phì ở trẻ em học đường là do chế độ ăn quá dư thừa, ăn quá nhiều so với nhu cầu và thói quen ít hoạt động thể lực; Trẻ có cân nặng sơ sinh quá cao, suy dinh dưỡng thấp còi đều có nguy cơ TC-BP; Trẻ ăn nhanh, hay ăn vặt, thích ăn ngọt, uống nước giải khát, thức ăn nhanh (fast food),  ăn nhiều vào buổi tối đặc biệt trước khi đi ngủ,…
           Béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật của nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể như: Thoái hóa khớp, đau thắt lưng, nguy cơ mắc các bệnh nội tiết, chuyển hóa, tim mạch, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, …
                                                                                                    Ảnh minh họa: Trẻ thừa cân béo phì

Để phòng chống tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ các gia đình cần thực hiện một số nội dung sau:
- Dinh dưỡng hơp lý cho người mẹ trong thời gian có thai: Mức tăng cân hợp lý trong thời gian mang thai của bà mẹ là 10-12 kg. Cân nặng sơ sinh cao (>3500 gram) hoặc thấp (<2500gram) có nguy cơ TC-BP hơn trẻ có cân nặng sơ sinh trong khoảng từ 2500 gram-3500 gram.
          - Nuôi con bằng sữa mẹ: Cho trẻ bú sớm (trong vòng giờ đầu), bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú kéo dài cho đến khi trẻ được 24 tháng.
- Cho trẻ ăn dặm hợp lý: Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình; Tăng cường ăn các loại rau/củ và trái cây; các loại hạt (đậu, đỗ, vừng lạc…); Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường ngọt, muối, chất béo. Không ăn mặn.
- Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, bảo đảm đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi.
- Tập thói quen cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc: cha mẹ nên tập cho trẻ ngủ trước 21 giờ. Số giờ ngủ trung bình mỗi ngày tùy từng lứa tuổi: số giờ ngủ trung bình của trẻ sơ sinh, dưới 1 tuổi và từ 1-2 tuổi tương ứng là 14-17 giờ; 12-15 giờ và 11-14 giờ. Trẻ từ 3-5 tuổi là 10-13 giờ. Trẻ từ 6-18 tuổi là 8-10 giờ.
- Tăng cường hoạt động thể lực và duy trì lối sống năng động, lành mạnh: Tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ qua các hoạt động như trượt trên cầu trượt, bập bênh, đu quay và các hoạt động ngoài trời ở sân trường, công viên và các khu giải trí khác.


                                                                                                                                                            Tác giả: CNDD Nguyễn Thị Hương – Khoa Dinh dưỡng


 

Công Nghệ Thông Tin