KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÀNG 8 VÀ 77 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG AN NHÂN DÂN

Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2022): Chớp thời cơ, kiên quyết phát động Tổng khởi nghĩa
Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam là minh chứng sinh động về sự nhạy bén của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhận định tình hình, dự kiến thời cơ và chỉ đạo chớp thời cơ lịch sử để khởi nghĩa thành công.
Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), Đảng Cộng sản Đông Dương đã xác định khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của giai đoạn cách mạng tiếp theo và tích cực chuẩn bị các điều kiện để khởi nghĩa vũ trang thắng lợi.
“Kiên quyết giành cho được độc lập”
Trong những năm cuối của cuộc vận động giải phóng dân tộc (1941-1945), khi phân tích về diễn biến cuộc chiến tranh giữa phe phát-xít và Đồng minh, Hồ Chí Minh khẳng định thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về phe dân chủ và nhận định thời cơ giải phóng dân tộc đang đến rất gần, tình thế cách mạng sắp xuất hiện:
“Ấy là nhịp tốt cho ta,
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông” 
Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, lý luận về thời cơ khởi nghĩa ở Việt Nam đã được trình bày sáng rõ. Theo đó, thời cơ khởi nghĩa xuất hiện khi: lực lượng đế quốc thống trị lung lay bối rối không đủ sức giữ địa vị của chúng như trước nữa; dân chúng căm tức kẻ thù cực điểm, quyết hy sinh nổi dậy tranh đấu với đế quốc đến cùng vì hiểu rằng ngồi yên cũng chết; chính đảng cách mạng có chính sách đúng lãnh đạo dân chúng khởi nghĩa và được dân chúng tin cậy.
Đến năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều thuận lợi, sự lớn mạnh và mở rộng về thế và lực của Mặt trận Việt Minh đã là những tiền đề quan trọng để Hồ Chí Minh đưa ra những quyết sách kịp thời, những biện pháp cụ thể, đón thời cơ, sửa soạn chuẩn bị khởi nghĩa khi cục diện chiến tranh chống phát-xít đi vào giai đoạn kết thúc, cách mạng Việt Nam đứng trước tình thế mới.
Tháng 5/1945, phát-xít Đức, Ý đã bại trận trên chiến trường châu Âu. Ba tháng sau đó, ở châu Á, phát-xít Nhật đang trên đường thất bại và sụp đổ. Dù đang ốm nặng ở Tân Trào, Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị cho các đồng chí: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”
Qua bản tin của đài San Francisco (Mỹ) loan báo chính phủ Thuỵ Sĩ đã chuyển công hàm của phía Nhật Bản đến chính phủ Mỹ đề nghị sửa đổi bốn điều trong Tuyên bố Potsdam, Hồ Chí Minh nhận thấy động thái sắp đầu hàng của Nhật Bản. Ngay trong đêm 12/8/1945, Người đã bàn với Tổng Bí thư Trường Chinh triệu tập ngay Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng. Theo sự gợi ý và chỉ đạo của Người, Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và nhanh chóng phát đi bản Quân lệnh số 1 - Lệnh Tổng khởi nghĩa. “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Dân tộc ta đến lúc vùng dậy cướp lại quyền độc lập của mình”.
Trưa 15/8/1945 (giờ Tokyo), Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh, trong khi Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương đang họp để quyết định những chủ trương lớn trong đối nội, đối ngoại của cách mạng Việt Nam càng hối thúc Đảng kịp thời đưa ra những quyết sách.
Ngay sau Hội nghị toàn quốc đại biểu của Đảng, ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội khai mạc ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Đại hội cũng quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam-“cũng như một Chính phủ lâm thời của ta lúc này”. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng. Quốc dân Đại hội Tân Trào và việc thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam đảm nhiệm chức năng như một chính quyền nhà nước đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho một chế độ mới sắp ra đời.
Ngày 18/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới toàn thể quốc dân Việt Nam. Bức thư nhấn mạnh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ” (3).
Lệnh Tổng khởi nghĩa đã phát đi tới nhiều địa phương. Toàn dân tộc nắm đúng thời cơ lịch sử ngàn năm có một đã nhất tề đứng dậy.
Ngày 19/8, khởi nghĩa thành công ở Hà Nội.
Ngày 23/8, lực lượng cách mạng nắm chính quyền ở kinh đô Huế.
Ngày 25/8, nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Ngày 28/8/1945, Ủy ban dân tộc giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới. Chính phủ lâm thời đã ra tuyên cáo khẳng định “Chính phủ lâm thời thật là một Chính phủ Quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn quốc, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ dân chủ cộng hòa chính thức”(4).
Chỉ trong hai tuần, Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng thành công trên phạm vi cả nước. Đảng đã động viên toàn thể nhân dân từ bắc chí nam cùng đứng lên tham gia khởi nghĩa, với tinh thần phấn khởi cách mạng lạ thường, với một khí thế mãnh liệt chưa từng thấy, kiên quyết đập tan mọi thế lực phản động để giành lấy tự do và độc lập.
Để có cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân giành chính quyền trọn vẹn, nhanh gọn và tổn thất ở mức tối thiểu trong nửa cuối tháng 8/1945 tại Việt Nam, không thể không nhắc đến và nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo cao nhất và xuất sắc nhất: Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính và một lãnh tụ thiên tài, nhân dân Việt Nam đã đón đúng và tận dụng triệt để thời cơ lịch sử. Với lực lượng nhân dân đông đảo được tập hợp, tổ chức chặt chẽ, được từng bước rèn luyện qua những phong trào đấu tranh cách mạng, thực hiện tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn của một lãnh tụ dẫn đường xuất sắc, nhân dân Việt Nam đã đứng lên tự giải phóng, không chờ đợi một “khoảng trống quyền lực” hay một khoảng “chân không chính trị”. Và như Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” 
 
Ngày 19/8 hàng năm không chỉ là ngày đại thắng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 mà còn là ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam. Vào ngày 12/12/2005, chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định: “Ngày 19 tháng 8 hàng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Nói đến lịch sử của ngày 19/8 ta phải kể về năm 1945 với trang sử hào hùng của quân dân Việt Nam ta trong cuộc Cách mạng tháng 8 giành thắng lợi, mở đầu cho Ngày Quốc khánh trọng đại của nước Việt Nam. Năm 1958, quân Pháp tấn công Đà Nẵng, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, biến nước ta thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Thời bấy giờ nhân dân ta khốn cùng, nhiều cuộc đấu tranh, phong trào khởi nghĩa liên tiếp nổ ra để đòi lại nền độc lập dân tộc.
 
Vào tháng 8 năm 1945, thời cơ của dân tộc ta đến khi cuộc chiến tranh thế giới đi đến hồi kết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, quân dân ta đồng lòng nghe theo chỉ thị để chờ ngày tiến công. Cụ thể, từ ngày 13/8 - 17/8, các cơ quan đầu não của Đảng liên tiếp họp và phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945, nhân dân đồng loạt kéo về Nhà hát lớn Hà Nội để thực hiện cuộc mít tinh lớn chưa từng có trong lịch sử với sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ. Cuối ngày, quân dân ta đã nhanh chóng làm chủ khu vực này. Thắng lợi ở Hà Nội đã trở thành sức mạnh kéo theo sự bùng nổ và tiếp thêm sức mạnh cho các cuộc giải phóng ở những tỉnh thành khác.
Vào thời điểm đó, lực lượng vũ trang ở Bắc Bộ gọi là Sở Liêm phóng, ở Trung Bộ gọi là Sở trinh sát, ở Nam Bộ gọi là Quốc gia tự vệ cuộc, dù vẫn chưa có tên gọi chung nhưng đều có nhiệm vụ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Đó cũng là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam. Chính vì thế, ngày 19/8 đã trở thành Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam.
 
Ngày 19/8 đánh dấu sự thành công của cách mạng Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi sự áp bức bóc lột gần 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến, thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây còn là ngày tôn vinh sự hy sinh, cống hiến của lực lượng công an nhân dân luôn đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc chiến. Họ vừa là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc vừa có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
 
Với vai trò gợi nhớ đến sự thành công của cuộc Cách mạng tháng 8 cùng sự hi sinh của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam, mỗi năm cứ đến ngày 19/8, mỗi người con Việt Nam, các con cháu thế hệ sau đều đồng lòng hướng về lực lượng Công an Nhân dân và bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với các vị anh hùng đã không tiếc xương máu để mang lại nền độc lập cho nước nhà như hiện nay.
(Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử)

Hoàng Thu Nga - Phòng CTXH