Cứu cánh tay bệnh nhân không bị cắt cụt do tắc động mạch chi bằng kỹ thuật điện quang can thiệp tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh

Ngày 16/11/2018, với trang thiết bị y tế hiện đại và tay nghề chuyên môn cao, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã cấp cứu thành công ca bệnh tắc động mạch chi, giúp bệnh nhân không bị cắt cụt tay trái bằng phương pháp chụp mạch số hóa xóa nền và lấy huyết khối qua ống thông điều trị tắc mạch chi. Thực hiện thành công ca bệnh này một lần khẳng định vị trí đi đầu trong triển khai các kĩ thuật khó ngay tại tuyến tỉnh của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, góp phần không nhỏ vào chăm sóc sức khỏe nhân dân trong và ngoài địa bàn.
 
Bệnh nhân Trần Thị T (85 tuổi) ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường và nhồi máu mạn tính, đã từng bị tắc mạch chi dưới nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau, tê vùng cẳng bàn tay trái, vùng da cánh tay trái đổi màu tím đen, rối loạn cảm giác đột ngột. Ngay lập tức, Trung tâm tim mạch và khoa chẩn đoán hình ảnh đã thăm khám, hội chẩn, thống nhất chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch nhằm tái thông dòng chảy cho động mạch tay trái trên hệ thống điện quang can thiệp. Dưới hướng dẫn của hệ thống số hóa xóa nền, hình ảnh tổn thương được hiển thị rõ nét, cho thấy tắc hoàn toàn động mạch nách, liên tục đến động mạch cánh tay và động mạch vùng cẳng tay.
 
Hình ảnh chụp động mạch tay trái của bệnh nhân bị cục máu đông làm tắc hoàn toàn động mạch nách, liên tục đến động mạch cánh tay và động mạch vùng cẳng tay
Hình ảnh chụp động mạch tay trái của bệnh nhân bị cục máu đông làm tắc hoàn toàn động mạch nách, liên tục đến động mạch cánh tay và động mạch vùng cẳng tay
 

Nhờ hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền, các bác sĩ đã dùng hệ thống hút huyết khối cỡ lớn dành cho mạch ngoại biên, hút ra nhiều huyết khối, tái thông mạch máu chi trái cho bệnh nhân
Bác sĩ Đào Mạnh Sơn – Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Đây là một ca bệnh khó, bệnh nhân cao tuổi nên ngay lập tức 2 kíp bác sĩ điện quang can thiệp và tim mạch can thiệp đã phối hợp cùng xử trí bệnh nhân, mong muốn rút ngắn thời gian can thiệp để có thể cứu sống cánh tay cho bệnh nhân. Nhận định qua dấu hiệu lâm sàng thì tổn thương cánh tay trái của bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn 2B, gần đến giai đoạn 3 – giai đoạn phải cắt cụt tay, chỉ còn một chút thời gian nữa để cứu cánh tay trái. Vào can thiệp, các bác sĩ mở thông mạch máu ở động mạch đùi, sau đó luồn các ống thông lên động mạch chủ ngực, động mạch dưới đòn bên trái để chụp hình đánh giá tổng thể vùng tổn thương, sau đó sử dụng hệ thống hút huyết khối cỡ lớn dành cho mạch ngoại biên, hút ra nhiều huyết khối”.
Sau 3 tiếng can thiệp, bệnh nhân được tái thông hoàn toàn động mạch từ nách tới cẳng tay. Hình ảnh chụp DSA cho thấy huyết khối đã được hút hoàn toàn, máu tươi đã được tái thông trở lại. Nhờ đó các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện ngay, bàn tay hồng trở lại, có cảm giác, cử động bàn tay đã được hồi phục.

Trước đây, những trường hợp tắc mạch chi cấp tính như thế này chủ yếu sử dụng phương pháp ngoại khoa, các bác sĩ phẫu thuật sẽ mổ để bóc tách phần chi bị tắc mạch, để bộc lộ phần mạch máu bị tắc, và cũng đưa các dụng cụ vào trong lòng mạch máu để kéo dần huyết khối ra. Tuy nhiên, các bác sĩ phẫu thuật thì không trực tiếp nhìn thấy hình ảnh huyết khối trong lòng mạch máu như những hình ảnh có được từ phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Đối với hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền, kíp can thiệp có thể nhìn thấy trực tiếp vị trí của huyết khối, hình thái cũng như mức độ bám dính của huyết khối và cấu trúc của thành mạch máu từ đó đánh giá, nhận định được tổn thương này là từ nơi khác đến hay tổn thương tại chỗ. Qua những nhận định đó, các bác sĩ có thể lựa chọn phương án và dụng cụ tối ưu để can thiệp hiệu quả nhất. Can thiệp nội khoa là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu nên người bệnh chỉ có vết thương rất nhỏ, nhưng hiệu quả điều trị cao hơn những phương pháp khác, thời gian bình phục nhanh hơn rất nhiều.


Sau can thiệp bệnh nhân đã cử động được tay trái

Sau 1 ngày can thiệp, tay trái của bệnh nhân đã có thể cử động, bình phục được gần bằng tay phải, có cảm giác và thoải mái. Theo các bác sĩ, tắc mạch chi cấp tính là tình trạng đột ngột thiếu máu chi, đe dọa đến khả năng bảo tồn chi. Đây là bệnh cảnh cấp cứu và nguy hiểm nhất đối với mạch ngoại biên, có nguy cơ cắt cụt chi, gây tàn tật, thậm chí tử vong nếu không được điều trị thích hợp. Đáng chú ý, hầu hết bệnh nhân tắc mạch chi cấp đều có liên quan đến bệnh lí về tim mạch và rối loạn đông máu. Vì vậy, khuyến cáo bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch cần tuân thủ điều trị tốt, ngay khi có biểu hiện bất thường, cần được đến cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.                        
 
T/g: BSCKII. Bùi Thị Thủy –TT ĐT&CĐT

Quản trị tin tức