TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHO NGƯỜI BỆNH, NGƯỜI NHÀ NGƯỜI BỆNH KHOA HUYẾT HỌC LÂM SÀNG

Chiều thứ Ba, ngày 15/4/2025, tại Khoa Huyết học lâm sàng – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, đã diễn ra buổi truyền thông Giáo dục sức khỏe dành cho người bệnh và người nhà người bệnh. Chương trình được phối hợp tổ chức bởi: Phòng Công tác xã hội, Phòng Điều dưỡng, Khoa Dinh dưỡng và Khoa Huyết học lâm sàng, nhằm trang bị kiến thức, tăng cường kết nối và mang đến sự đồng hành vững chắc về cả thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh trong quá trình điều trị.
Truyền thông – Không chỉ là thông tin, mà là sự thấu hiểu
ThS Trần Đình Tùng – Phó Trưởng phòng Công tác xã hội chia sẻ chân thành về vai trò của sức khỏe tinh thần trong hành trình điều trị. Anh nhấn mạnh: “Khi người bệnh cảm thấy được lắng nghe, được tôn trọng và đồng hành, họ có thêm nội lực để vượt qua bệnh tật. Sự kết nối giữa thầy thuốc – người bệnh – người nhà không chỉ là cần thiết, mà còn là chìa khóa để chữa lành.”. Phòng Công tác xã hội cũng giới thiệu các hoạt động hỗ trợ toàn diện cho người bệnh: từ tư vấn tâm lý, kết nối nhà hảo tâm, truyền thông giáo dục sức khỏe cho tới hỗ trợ vật chất, tinh thần trong các hoàn cảnh khó khăn.
ThS. Trần Đình Tùng – Phó Trưởng phòng Công tác xã hội chia sẻ với người bệnh 
Hiểu đúng về bệnh thiếu máu – Dinh dưỡng đúng cách để hồi phục hiệu quả
CNĐD Nguyễn Thị Ánh Minh – Điều dưỡng trưởng Khoa Huyết học lâm sàng đã chia sẻ cụ thể về bệnh thiếu máu thiếu sắt – căn bệnh phổ biến nhưng dễ bị bỏ qua do diễn tiến âm thầm. Chị cung cấp kiến thức dễ hiểu về nguyên nhân, triệu chứng như mệt mỏi, da xanh, chóng mặt, tim đập nhanh, cùng các biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Quan trọng hơn, người bệnh được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi tại nhà, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng, bổ sung sắt đúng cách và phòng ngừa tái phát. Với tinh thần “chăm sóc người bệnh như người thân”, chị Minh và tập thể điều dưỡng luôn tận tình lắng nghe, tư vấn từng trường hợp cụ thể. Khoa Huyết học lâm sàng không chỉ là nơi điều trị bệnh về máu, mà còn là nơi người bệnh cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc, tận tụy mỗi ngày. Chính sự đồng hành sát sao, ấm áp của đội ngũ y bác sĩ tại đây đã giúp người bệnh thêm vững tin và an tâm trong quá trình điều trị.
Tiếp đó, ThS Lê Thị Hương – Khoa Dinh dưỡng chia sẻ cặn kẽ về chế độ ăn đặc biệt cho người thiếu máu:
+ Tăng cường sắt từ: thịt đỏ (bò, trâu), gan, hải sản, rau xanh đậm (rau dền, rau ngót, cải bó xôi), trứng, đậu, giá đỗ...
+ Tăng hấp thu sắt bằng vitamin C từ trái cây họ cam quýt, kiwi, dâu tây...
+ Tránh uống trà, cà phê ngay sau bữa ăn vì sẽ ức chế hấp thu sắt
+ Nên chia thành 4 – 6 bữa/ngày, ăn uống điều độ, tránh lo âu căng thẳng
+ Đặc biệt lưu ý định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần để phòng thiếu máu do ký sinh trùng.

Người bệnh được hướng dẫn cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho người thiếu máu 
Người bệnh hào hứng trao đổi – Khi kiến thức y học chạm tới trái tim
Không khí buổi truyền thông càng trở nên ấm áp và gần gũi khi phần trao đổi, thảo luận giữa người bệnh, người nhà và các báo cáo viên diễn ra sôi nổi. Rất nhiều câu hỏi thực tế được đặt ra xoay quanh việc chăm sóc người bệnh thiếu máu thiếu sắt tại nhà, như: Nên ăn gì, kiêng gì, dùng thuốc sắt ra sao để tránh tác dụng phụ, cách nhận biết thiếu máu ở người lớn tuổi, hoặc chế độ sinh hoạt thế nào là hợp lý trong thời gian điều trị.
Các báo cáo viên từ các khoa/phòng không chỉ giải đáp tận tình, dễ hiểu, mà còn chia sẻ thêm nhiều mẹo hữu ích trong chăm sóc và phòng ngừa, giúp người bệnh cảm thấy tự tin, chủ động hơn trong hành trình hồi phục.
Mỗi món quà – Một lời nhắn gửi yêu thương
Khép lại buổi truyền thông, Phòng Công tác xã hội đã phối hợp với các nhà hảo tâm trao tặng những suất quà đầy nghĩa tình cho các bệnh nhân tham dự. Dù là những món quà nhỏ, nhưng chứa đựng cả niềm tin, sự động viên và tinh thần sẻ chia từ cộng đồng.

 
Những món quà nhỏ được trao gửi đến người bệnh
Buổi truyền thông không chỉ cung cấp kiến thức y học mà còn là nơi kết nối, truyền cảm hứng và gieo vào lòng người bệnh niềm tin vào sự phục hồi. Đây là hoạt động được tổ chức định kỳ hàng tuần tại các khoa lâm sàng, góp phần tạo dựng hình ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh không chỉ là nơi chữa bệnh, mà còn là nơi chữa lành – bằng y học hiện đại và trái tim nhân ái./.

Trần Đình Tùng - Phó trưởng phòng CTXH