CA MẮC SỞI GIA TĂNG, ĐÃ CÓ 5 TRƯỜNG HỢP TỬ VONG

SKĐS - Trên toàn cầu WHO cảnh báo việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần.

Đây là những thông tin được Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm diễn ra sáng 28/11. Hội nghị kết nối điểm cầu Bộ Y tế đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm tại điểm cầu Bộ Y tế.

WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực

Thông tin về tình hình dịch bệnh, TS.BS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau đại dịch COVID-19, số ca mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới với 10,3 triệu ca mắc, tăng 20% so với năm 2022, trong đó có hơn 107.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.
Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Trong 5 năm qua, dịch sởi đã bùng phát ở 103 quốc gia, nguyên nhân chính là do tỷ lệ tiêm vaccine thấp (chỉ đạt hoặc thấp hơn 80%, so với yêu cầu cần đạt 95%).
Tác động của đại dịch COVID-19 trong những năm trước đó đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn thế giới, không đạt được mức độ bao phủ cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.

Số ca mắc sởi dương tính tại Việt Nam cao hơn cùng kỳ 111 lần, đã có 5 ca tử vong

TS.BS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau đại dịch COVID-19, số ca mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới với 10,3 triệu ca mắc, tăng 20% so với năm 2022...
Tương tại tại Việt Nam số mắc sởi cũng tăng cao, theo TS Tâm, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (TPHCM 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca tử vong). So với cùng kỳ năm 2023 số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần.
Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TPHCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ tại hội nghị cho biết sẽ xem xét vấn đề tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng như các đối tượng khác.
Cũng tại hội nghị , đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết, số ca mắc sởi trong năm nay của địa phương này tăng đột biến với 657 ca sởi và phát ban nghi sởi. Đại diện CDC tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, bệnh sởi tại địa phương nghiêm trọng. Trong tháng 9 có 20 ca, tháng 11 đã tăng lên 102 ca. Nhiều đối tượng cộng đồng chưa tiêm vaccine sởi.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ ngày 1/9-19/11/2024 đã ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, đặc biệt trong 11 ngày tháng 11 có đến 64 ca. Trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, nguyên nhân gia tăng dịch sởi do chu kỳ dịch, đồng thời do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ông Tâm cũng lưu ý, nhiều trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi, trước tuổi có chỉ định tiêm vaccine sởi.
Bộ Y tế cho biết, đã tiếp nhận hơn 1,130 triệu liều vaccine sởi do WHO viện trợ, phân bổ cho các địa phương. Riêng TP HCM tự mua 300.000 liều MR từ nguồn ngân sách địa phương, không nhận phân bổ vaccine từ nguồn viện trợ.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi

Trước đó, như Sức khoẻ và Đời sống đã đưa tin, Bộ Y tế cho biết đến nay, đã có hơn 961.793 trẻ được tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 tại 31 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế vẫn còn một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa đảm bảo tiến độ.
Thực hiện Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 14/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh;
Chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong;
Tăng cường tổ chức tập huấn, năng cao năng lực giám sát, điều trị tại các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhật tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi.
Cùng đó, khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các vùng có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, dân tộc ít người…;
Đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch Sởi năm 2024 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2495/QĐ-BYT.
Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sởi; theo dõi hàng ngày tình hình sức khỏe toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân viên, phát hiện kịp thời những trường hợp mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế...
Tăng cường chỉ đạo cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống. Xây dựng các thông điệp, tài liệu truyền thông, các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, lợi ích của việc sử dụng vaccine đúng lịch, đủ liều theo ngôn ngữ phù hợp tại địa phương.
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, hỗ trợ các nguồn lực cho hệ thống y tế đảm bảo về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị… phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch trên địa bàn theo quy định.
Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp bệnh, ổ dịch trên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm...
Nguồn: SKĐS

Hoàng Thu Nga - Phòng CTXH