Nhiều bệnh nhân trở về từ “cõi chết” nhờ kỹ thuật lọc máu liên tục

Ông Nguyễn Bá P, sinh năm 1960 ở xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có tiền sử Hen phế quản, Gout vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh ngày 05/12/2017 trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm chạp, khó thở, đau bụng, bụng chướng căng to, sốt rất cao. Kết quả xét nghiệm và chụp CT bụng đánh giá viêm tụy cấp thể hoại tử, gan nhiễm mỡ. Thực hiện tiếp các xét nghiệm máu liên quan thấy tình trạng nhiễm trùng, nhiễm toan chuyển hóa, tổn thương gan, thận, phổi, suy hô hấp, rối loạn đông máu…Sau khi bệnh nhân có đầy đủ các dữ liệu cần thiết, Bệnh viện tiến hành hội chẩn toàn viện và chỉ định lọc máu liên tục, kết hợp điều trị nội khoa theo phác đồ, đồng thời chọc hút dịch ổ bụng.
Do tình trạng bệnh quá nặng, bệnh nhân phải tiến hành lọc máu liên tục trong 6 ngày, bệnh nhân dần ổn định sức khỏe, cai thở máy, mạch, huyết áp trở về bình thường, có cảm giác đói, ăn được và tiêu hóa ổn định. Sau đó, bệnh nhân được điều trị tích cực (an thần, kháng sinh kết hợp, các thuốc giảm tiết dịch đường tiêu hóa, truyền máu và các chế phẩm của máu, dinh dưỡng tĩnh mạch, điều trị các rối loạn đông máu),  bệnh nhân P đã được xuất viện vào ngày 22/12/2017.
Theo các y bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh, đây là bệnh nhân nặng nhất, có thời gian lọc máu kéo dài nhất từ khi triển khai thực hiện kỹ thuật lọc máu liên tục tại đây. Do tình trạng bệnh phức tạp, đã vài lần gia đình bệnh nhân xin được thôi điều trị song nhờ được các y bác sĩ động viên, tích cực cứu chữa, bệnh nhân P đã được cứu sống. Việc thực hiện kỹ thuật lọc máu liên tục được BHYT thanh toán, do vậy, bệnh nhân được giảm phần lớn chi phí khi khám, chữa bệnh. Ví dụ như bệnh nhân P., nếu không có BHYT, với 18 ngày nằm viện, thay 4 quả lọc, gia đình sẽ phải bỏ ra gần 110 triệu đồng để chữa trị, do có thẻ BHYT hộ gia đình (hưởng 80%) nên chỉ phải thanh toán hơn 21 triệu đồng.
BSCKII Phạm Minh Đức - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện cho biết: “Trước đây, đối với những trường hợp bệnh nhân nặng như trên sẽ buộc phải chuyển tuyến trên để được điều trị lọc máu liên tục. Với bệnh nhân P, nếu không được lọc máu liên tục thì nguy cơ tử vong rất cao bởi hầu hết các tạng trong cơ thể đều đã bị tổn thương. Phương pháp lọc máu liên tục giúp lấy các “sản phẩm” có hại của phản ứng viêm ra ngoài cơ thể người bệnh, hỗ trợ cho điều trị các tạng bị suy, bảo đảm cân bằng nước và các chất điện giải, điều trị nhiễm toan chuyển hóa cho người bệnh”.

Máy lọc máu liên tục được sử dụng hiệu quả trong cấp cứu, hồi sức
tích cực tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh
Từ khi triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục (tháng 10/2017), Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong cao. Điều này cho thấy ưu việt của kỹ thuật lọc máu liên tục trong công tác cấp cứu, điều trị tích cực. Lọc máu liên tục được chỉ định khi bệnh nhân mắc một số bệnh lý như: Viêm tụy cấp mức độ nặng, sốc nhiễm khuẩn, suy tim, nhiễm toan chuyển hóa, các ca bỏng nặng, đa chấn thương, suy đa phủ tạng…Hiện nay, khoa Hồi sức tích cực có 3 bác sĩ và 3 điều dưỡng, kỹ thuật viên được đào tạo và thực hiện tốt kỹ thuật lọc máu liên tục. Việc triển khai thành công kĩ thuật cao này tại bệnh viện tuyến tỉnh có ý nghĩa lớn bởi có thể giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao mà không phải chuyển tuyến, mang lại cơ hội sống sót cho những bệnh nhân nặng.
                                                                       T/g: Hoàng Tâm  - TT ĐT&CĐT
 

Quản trị tin tức