Bệnh nhân vỡ động mạch phế quản được cứu sống bằng phương pháp can thiệp mạch

Bệnh nhân Nguyễn Thị N (80 tuổi) ở xã Nội Duệ, huyện Tiên Du nhập viện trong tình trạng ho ra máu số lượng lớn kéo dài, mỗi lần lên tới 200 – 300ml. Sau khi khám, chụp X-quang, cắt lớp vi tính, kết hợp với các dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ nghĩ đến nguyên nhân khiến bệnh nhân ho máu nhiều như vậy là do có tổn thương về mạch máu. Vì thế quyết định chuyển bệnh nhân sang phòng can thiệp để chụp mạch máu bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Kết quả phát hiện động mạch phế quản phổi phải tương ứng với vùng nhu mô phổi tổn thương có hình giả phình mạch.

Ngày 24/8/2018, sau khi phát hiện nguyên nhân, các bác sĩ đã tiến hành nút tắc động mạch phế quản phổi phải vùng tổn thương bằng các hạt vi cầu nhựa trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Đây cũng là hướng đi mới của chuyên ngành điện quang hiện nay, đó là đưa vào sử dụng các thiết bị vừa có khả năng chẩn đoán hình ảnh chính xác, vừa có khả năng can thiệp điều trị xâm lấn tối thiểu cho người bệnh. Kĩ thuật điện quang can thiệp bằng DSA là kĩ thuật xâm lấn tối thiểu, các hình ảnh về mạch máu được xử lí rõ nét và phóng đại lên, giúp các bác sĩ có hình ảnh chính xác để đánh giá tổn thương và can thiệp hiệu quả. Với phương pháp này, bệnh nhân không phải phẫu thuật, không phải gây mê mà chỉ cần gây tê tại chỗ, vì thế hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình can thiệp, giảm bớt nguy cơ tai biến trong gây mê và hồi sức sau phẫu thuật.

Hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, đang được điều trị nội   khoa tại khoa Nội hô hấp, BVĐK tỉnh và chuẩn bị được xuất viện
Hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, đang được điều trị nội
 khoa tại khoa Nội hô hấp, BVĐK tỉnh và chuẩn bị được xuất viện

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ho máu, cả nội khoa tức là dùng thuốc nhằm cầm máu chỗ chảy máu của nhu mô phổi, cả điều trị ngoại khoa tức là phẫu thuật nhằm cắt đi vùng tổn thương của nhu mô phổi. Tuy nhiên, sử dụng điện quang can thiệp có ưu thế vượt trội hơn hẳn, đó là các bác sĩ sẽ luồn một ống thông rất nhỏ (chỉ khoảng 1 milimet) trực tiếp vào trong lòng động mạch phế quản vùng tổn thương thông qua vị trí mở đường vào ở động mạch đùi, sử dụng các hạt nhựa vi cầu để nút tắc, cắt đi nguồn chảy máu trong nhu mô phổi, việc chảy máu sẽ được ngắt đi ngay lập tức và như vậy sẽ giảm đi nguy cơ xâm lấn của các cục máu đông vào lòng phế quản. Nhờ đó mà mặc dù hiệu quả điều trị có thể tương đương hoặc hơn, nhưng bệnh nhân chỉ có 1 vết thương nhỏ 2milimet ở vùng bẹn, sau can thiệp hoàn toàn có thể đi lại, ăn uống bình thường chứ không mất nhiều thời gian để điều trị và bình phục như các phương pháp khác.

Khi ở nhà, bà Nguyễn Thị N có 5 lần ho ra máu, mỗi lần ho đến cả cốc máu tươi, người mệt mỏi, kiệt sức. Sau khi được can thiệp, tình trạng ho của bà giảm hẳn, thỉnh thoảng vẫn có ho nhưng là ho ra một ít máu đen thôi, theo lời của bác sĩ thì đó là những cục máu đông còn sót lại trong phế quản phổi của bà, sẽ hết trong một vài ngày. Hơn nữa lại được chăm sóc tận tình, hỏi han thường xuyên từ bác sĩ đến điều dưỡng, y tá nên bệnh tình của bà tiến triển rất nhanh. Theo các bác sĩ, bệnh lí ho máu thường có nhiều nguyên nhân như giãn phế quản – phế nang, lao phổi, giãn động mạch phế quản, giãn động mạch phổi, bệnh lí phổi bẩm sinh. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị ho máu sẽ khiến máu tràn vào đường hô hấp, máu đông sẽ bít kín đường thở khiến họ ngạt thở và tử vong; mặt khác nếu không kịp thời ngắt được vị trí gây chảy máu sẽ khiến cơ thể người bệnh suy kiệt do mất máu quá nhiều, ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, các bác sĩ cũng khuyến cáo với người bệnh, nếu đã bị ho ra máu, cho dù ho máu số lượng ít hay nhiều đều nên đến cơ sở y tế để khám, phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.
T/g: BS Đào Mạnh Sơn – Khoa CĐHA

Quản trị tin tức